ăn bánh rán, và mùa rét cũng thích chơi trò trượt tuyết ở công viên Nhiếp
chính và trên sông Serpentine. Ông Osborne vẫn sai Rowson là người hầu
riêng của Georgy đưa hai đứa đi xem hát; cả ba ngồi đình huỳnh trong lô
ghế hạng nhất.
Chúng được đưa đến khắp các rạp hát lớn trong kinh đô, thuộc lòng tên
các đào kép, từ đường Drury đến Sadler’s Wells. Về nhà, hai đưa hì hục cắt
giấy tô màu, dựng lại những cảnh trên sân khấu cho các bạn xem. Bác hầu
việc Rowson tính cũng hào phóng, khi tan hát, nếu túi tiền rủng rẻng một
chút, vẫn hay thết hai cậu một chầu sò huyết, lại kèm theo một chút rượu
“rum” để cậu về ngủ cho ngon giấc. Dĩ nhiên, Rowson cũng được cậu chủ
đền bù lại rộng rãi để tỏ lòng biết ơn bác người nhà đã cho mình thưởng
thức những thú chơi khoái trá kể trên.
Ông Osborne không bao giờ chịu mượn bọn phó may cà mèng ở khu
City may áo cho cháu, mặc dầu chính ông vẫn nhờ họ cắt áo cho mình; ông
gọi một bác thợ may nổi tiếng ở tận West End đến để trang hoàng cho cái
thân thể của cậu cháu nội, lại căn dặn chớ có ngại ông tiếc tiền. Được lời
như cởi tấm lòng, ông Woolsey ở phố Conduit bèn ra sức phát huy trí tưởng
tượng, cắt cho thằng bé kiểu áo tối tân, nhiều vô kể, cho trẻ con hàng xóm
cũng không hết.
Dự những buổi tiếp khách tối thì Georgy mặc áo chẽn trắng, dùng bữa
trưa thì mặc áo chẽn nhung; nó lại có cả một bộ py-ja-ma dùng riêng để
mặc trong nhà y như người lớn. Bữa trưa nào nó cũng bận lễ phục cẩn thận;
thấy thế, ông nội khen cháu “Chẳng thua gì con nhà khá giả ở West End”;
ông lại sai riêng một người nhà chuyên việc hầu hạ cậu, giúp cậu mặc quần
áo, để cậu sai vặt, lại bắt hễ có thư gửi cho cậu thì phải đặt vào khay bạc
cẩn thận mới được mang lên.
Ăn sáng xong, thường thường Georgy hay ngồi trong ghế bành ở phòng
ăn đọc báo “Tin tức buổi sáng”, trông ra phết người lớn. Thấy cậu chủ hay
văng tục và thề độc, bọn đầy tớ cho là sớm hiểu biết, phục lăn. Những
người có biết bố nó ngày xưa đều nói nó giống viên đại uý như đúc. Tuy