rất ưa lên mặt ông lớn, và hình như có năng khiếu bẩm sinh về khoa này thì
phải.
Ở khu phốRussell ai cũng sợ ông Osborne, mà ông Osborne thì lại sợ
Georgy. Cái phong thái đường hoàng của thằng bé, cái cách nó thao thao
bất tuyệt bàn về kiến thức, về sách vở, cái bộ mặt giống bố như đúc, khiến
ông lão nhớ đến người con trai chưa được tha thứ đã chết trận ở Brussels
mà sinh ra tôn trọng cháu, sợ hãi cháu như nô lệ sợ chủ. Thấy một vài cử
chỉ vô tình của thằng bé, một vài lối nói đặc biệt như thừa hưởng được của
bố, ông lão giật mình, tưởng như con trai sống lại đang đứng trước mặt. Để
chuộc lỗi xưa kia đã trót quá khe khắt với cha nó, ông càng ra sức chiều
chuộng cháu nội. Ai thấy ông nuông cháu quá đáng cũng phải lấy làm lạ.
Ông vẫn hay càu nhàu gắt gỏng với cô Osborne như trước, nhưng ông vẫn
tươi cười mặc dầu Georgy xuống ăn sáng muộn.
Cô Osborne bây giờ đã thành một cô gái già, nhan sắc phai úa, vì trải
hơn bốn mươi năm trời sống trong cảnh đời tẻ nhạt, đầy đoạ. Cho nên
thằng cháu láu lỉnh cưỡi cổ cô nó dễ như bỡn. Georgy muốn gì cô nó cũng
phải cho, từ lọ mứt trong tủ cho tới hộp màu vẽ cũ kỹ đã khô nứt (hộp màu
vẽ cô mua từ hồi cô còn có thể gọi là tuổi xuân phơi phới, đang theo học
ông Smee); Georgy vớ được thứ đồ chơi mình ưa thích rồi thì lờ tít không
cần đến cô nữa.
Nói về bè bạn, Georgy có ông giáo long trọng vẫn hay nịnh nọt nó, và
thằng Todd, tuy lớn hơn nhưng vẫn bị nó bắt nạt thẳng cánh. Bà Todd rất
thích cho nó chơi với đứa con gái út là Rsa Jemima, một con bé kháu khỉnh
mới lên tám tuổi. Bà thường bảo rằng hai đưa nom tốt đôi quá (dĩ nhiên bà
không dám nói thế với những người “bên công viên”; bà nghĩ thầm: “Biết
đâu sau này hai đứa lại không thành vợ thành chồng.
Ông ngoại nó, ông lão chán đời, cũng bị thằng bé thống trị. Thấy nó bận
quần áo sang trọng, cưỡi ngựa có người theo hầu, ông đâm ra nể cháu. Về
phần Georgy, nó vẫn thường nghe ông Osborne mỉa mai thóa mạ một cách
thô bỉ kẻ thù của mình là ông John Sedley.