- Không, tao không đi. Đừng có đánh tao, ông thì bóp nát mày ra bây
giờ.
Dobbin gầm lên, nhảy xổ đến vớ lấy một lọ mực bằng chì; thấy dáng
điệu Dobbin dữ tợn, Cuff ngừng lại, buông hai cánh tay áo xuống, thọc tay
vào túi vừa cười khinh bỉ vừa đi mất. Nhưng từ bữa ấy, nó không bao giờ
thèm dính dáng đến cậu bé con trai người bán thực phẩm nữa; tuy vậy,
chúng ta cũng phải công bằng mà nhận rằng nó luôn luôn vẫn nói đến
Dobbin với thái độ khinh bỉ sau lưng cậu.
Ít bữa sau, một buổi chiều nắng ráo, William Dobbin nằm dài dưới gốc
cây trong sân trường đang đánh vần cuốn truyện “Nghìn lẻ một đêm” mà
cậu rất thích, hoàn toàn cô đơn và gần như rất sung sướng, cách biệt tất cả
đám học trò đang thả sức nô đùa. Cuff cũng đang đứng gần đó. Nếu thiên
hạ cứ để mặc trẻ con sống một mình, nếu thầy giáo thôi đừng làm rầy
chúng, nếu các bậc cha mẹ đừng cứ nhất định đòi uốn nắn sự suy nghĩ của
chúng, và khống chế cả tình cảm của chúng – những tình cảm và ý nghĩ ấy
vẫn là một sự bí mật đối với tất cả mọi người:(hỏi rằng bạn và tôi chúng ta
biết được bao nhiêu về nhau, về con cái chúng ta, về ông cha chúng ta, về
láng giềng chúng ta? Và những ý nghĩ của thằng bé hoặc con bé mà chúng
ta cai quản có thể đẹp đẽ và thiêng liêng biết bao so với ý nghĩ của những
con người đần độn và hư hỏng cai quản chúng?) – Nếu cha mẹ và thầy giáo
hãy cứ để mặc trẻ con sống một mình thêm chút ít… thì chắc những chuyện
tai hại sẽ bớt được nhiều, tuy rằng chúng có thể thâu lượm bớt đi đôi chút
về mặt kiến thức
Vậy thì William Dobbin lần ấy đang quên khuấy cả thế giới để đưa hồn
mình bay bổng theo chàng thủy thủ Sindbad tới thung lũng Kim cương,
hoặc cùng Hoàng tử Ahmed và nàng tiên Peribanou sống trong cái hang kỳ
thú, nơi hoàng tử gặp nàng, và là nơi chính chúng ta cũng thèm được đến
thăm. Bỗng có tiếng kêu thét lên làm cậu bừng tỉnh giấc mộng mê ly; hình
như có thằng bé con nào khóc. Ngẩng mặt lên, Dobbin thấy Cuff đang bắt
nạt một thằng bé con.