nhưng không thể treo trong triển lãm, và sẽ không có ai mua vì họ cũng
không biết phải treo nó như thế nào nữa.”
“Nhưng có vấn đề gì khi nó không xấu, mà chỉ là do tôi cố gắng thể
hiện chính xác thứ ngôn ngữ mà người ta vẫn nói trong đời thực? Tôi dùng
những từ ấy vì chỉ có chúng mới khiến cái truyện trở nên thật, làm thế là sai
sao? Ta buộc phải sử dụng những từ ấy thôi.”
“Nhưng cậu chẳng hiểu gì ,” bà nói, “Cậu không được viết ra những cái
truyện inaccrochable. Không có ý nghĩa gì cả. Sai lầm và ngớ ngẩn.”
Bà bảo, khi bà muốn đăng truyện trên tờ The Atlantic Monthly là truyện
được đăng. Theo bà tôi chưa phải là một nhà văn đủ tầm để in trên đó hay
trên tờ The Saturday Evening Post nhưng tôi hoàn toàn có thể trở thành
một nhà văn có phong cách với điều đầu tiên luôn phải nhớ là không được
viết những truyện inaccrochable. Tôi không tranh luận và cũng không tìm
cách giải thích thêm với bà chuyện này trong suốt buổi trò chuyện. Viết là
chuyện riêng của tôi và ngồi nghe người khác nói vẫn hay hơn nhiều. Chiều
hôm ấy bà cũng chỉ cho chúng tôi cách làm sao để mua được tranh.
“Cô cậu phải chọn hoặc mua quần áo, hoặc mua tranh,” bà nói. “Đơn
giản là trừ phi có thật nhiều tiền, còn không thì chẳng thể làm cả hai thứ ấy
cùng một lúc được đâu. Đừng để ý đến chuyện ăn mặc, đừng quan tâm
chuyện mốt miếc này nọ, chỉ nên mua quần áo loại ăn chắc mặc bền là
được, và như thế cô cậu sẽ có khoản tiền quần áo ấy để mua tranh.”
“Nhưng ngay cả khi suốt đời nhịn mua quần áo,” tôi nói, “chúng tôi
cũng không đủ tiền để mua những bức tranh của Picasso mà chúng tôi rất
thích.”
“Không. Ông ấy ngoài tầm của cậu. Cậu phải mua tranh của những
người cùng lứa – những người cũng đi lính như cậu ấy. Cậu sẽ dễ dàng làm
quen với họ thôi. Có thể gặp họ khắp nơi trong khu phố. Bao giờ cũng có
những họa sĩ đầy tiềm năng. Nhưng với điều kiện là đừng phung phí tiền
mua quần áo. Đó là vấn đề của vợ cậu. Quần áo phụ nữ bao giờ cũng đắt.”