“Bà cứ giữ sách ở đấy rồi tôi đến xem qua.”
“Không, tôi không giữ được. Anh có ghé đều đặn đâu chứ. Mỗi lần anh
biến mất là hơi lâu đấy. Tôi mà bán được là bán ngay. Không ai nói cho tôi
biết chất lượng mấy quyển này thế nào. Chứ nếu biết không có giá trị thì tôi
chẳng bao giờ mua bán loại này.”
“Thế bà làm sao biết một quyển sách Pháp có giá trị?”
“Trước tiên là có ảnh. Rồi đến chất lượng của ảnh. Sau đó là phần đóng
gáy. Nếu đó là một quyển sách hay, người chủ sẽ đóng gáy cẩn thận. Tất cả
sách tiếng Anh đều có đóng gáy, nhưng xấu vô cùng. Không có cách nào
xác định được giá trị của chúng.”
Ngoài quầy sách gần Tour d’Argent, không có quầy nào bán sách tiếng
Anh nữa cho đến tận kè Grands Augustins. Từ đấy cho đến bên ngoài kè
Voltaire có rất nhiều quầy bán sách Anh, Mỹ thu mua được từ các nhân viên
làm việc trong các khách sạn bên tả ngạn sông, nhất là từ khách sạn Voltaire
nơi có nhiều khách xịn hơn hết thảy. Một ngày nọ, tôi hỏi bà chủ ở một
quầy sách khác, một trong những người bạn của tôi, rằng có khi nào chủ
sách đem sách đi bán không.
“Không,” bà đáp. “Toàn là sách bị vứt đi ấy chứ. Thế nên người ta mới
biết đấy là loại vô giá trị.”
“Họ được bạn bè tặng để đọc khi đi trên tàu thủy ấy mà.”
“Chắc thế,” bà nói. “Hẳn còn có cả đống bị vứt lại trên ấy.”
“Đúng thế,” tôi nói. “Nhà tàu giữ mớ sách ấy, đóng gáy lại rồi cho vào
thư viện của tàu.”
“Thế là thông minh,” bà nói. “Ít ra bọn họ còn biết cách đóng gáy sách
đúng cách. Phải thế trông mới có giá trị.”
Tôi thường đi dạo dọc bờ sông mỗi khi xong việc hoặc cần tập trung
suy nghĩ. Đi dạo và làm gì đó, hoặc xem ai đó giỏi tay nghề đang làm việc