nắm giữ được ưu thế trước họ. Chắc chắn như thế, tôi nghĩ. Giờ thì tôi đi
trước bọn họ rất xa vì tôi thường xuyên thiếu ăn. Thế nên giờ cũng không tệ
lắm nếu buông một lúc để họ theo kịp mình chút đỉnh.
Tôi biết mình cần phải viết một quyển tiểu thuyết. Nhưng điều đó
dường như là không thể khi tôi vẫn còn đang chật vật viết những đoạn văn
đáng ra phải là chất cốt cho một quyển tiểu thuyết. Giờ đây tôi cần phải viết
những cái truyện dài hơn để chuẩn bị thể lực cho chặng đua đường trường.
Khi viết cuốn tiểu thuyết trước, chính cuốn sách đã thất lạc cùng chiếc va li
ở Gare de Lyon, tôi vẫn chuộng lối du dương dễ dãi non tơ, thứ dễ dàng
chết yểu và giả tạo như chính bản thân tuổi trẻ.
Tôi nghĩ thật may là cái tiểu thuyết ấy bị thất lạc, nhưng cũng biết rằng
mình sẽ phải viết một quyển tiểu thuyết. Dầu vậy, tôi sẽ gác nó sang một
bên cho đến khi nào thấy rõ nhu cầu không viết không được. Bằng không sẽ
rất tệ nếu chỉ chăm chăm viết lấy được như thế phải ăn mỗi ngày. Tôi chỉ
viết khi đấy thật sự là việc duy nhất phải làm và ngoài việc ấy ra thì không
còn lựa chọn nào khác. Cứ để áp lực tăng dần lên. Trong thời gian ấy, tôi sẽ
viết một cái truyện dài về những gì tôi am hiểu nhất.
Giờ thì tôi trả tiền và đi ra ngoài, rẽ phải qua phố Rennes để tránh sự
cám dỗ của tách café ở Deux-Margots rồi đi lên Bonaparte, con đường ngắn
nhất dẫn về nhà.
Thứ gì mình am hiểu nhất còn chưa viết và chưa bị thất lạc? Thứ gì ta
biết sâu sắc nhất và ta quan tâm nhất? Không có sự lựa chọn nào cả. Chỉ có
mỗi lựa chọn duy nhất là tìm ra con đường ngắn nhất để đi về nhà và ngồi
vào bàn. Tôi đi lên Bonaparte đến Guynemer, qua phố Assas, lên Notre-
Dame-des-Champs rồi về Closerie des Lilas.
Ở trong góc, ánh nắng chiếu rọi qua vai, tôi ngồi viết vào sổ ghi chép.
Người phục vụ đem ra một tách café crème và trong khi nó còn lạnh tôi
uống hết ngay một nửa rồi tiếp tục viết, để trên bàn nửa tách còn lại. Khi
ngừng viết tôi vẫn còn muốn ngồi lại với dòng sông nơi tôi có thể thấy cá
hồi bơi trong hố nước, mặt nước dập dềnh cuộn lên vỗ nhịp nhàng vào