Rồi chúng tôi cũng kết liễu được thịt bò và khoai tây chiên, và uống hết
hai phần ba chai Châteauneuf du Pape, thứ rượu không dành cho bữa trưa.
“Nói loanh quanh mãi chẳng có ích gì,” ông nói. “Anh biết anh sẽ đoạt
giải thưởng mà, đúng không?”
“Tôi?” tôi nói. “Tại sao?”
“Anh sẽ được giải,” ông nói. Ông bắt đầu nói về văn của tôi và tôi cố
không nghe. Mỗi lần nghe ai đó nói về văn của mình ngay trước mặt mình
tôi chỉ thấy muốn bệnh, và tôi nhìn ông, nhìn cái thần sắc đã – bị - tử - thần
– điểm – mặt và nghĩ, cái thứ lừa bịp như ngươi đang bày trò lừa bịp ta ư.
Ta đã từng chứng kiến cả một tiểu đoàn vùi trong bụi đường, một phần ba
trong số họ đã chết hay còn tệ hơn dù họ chẳng mang dấu hiệu đặc biệt nào,
tất cả chỉ là gió bụi, thế mà ngươi, với thần sắc đã – bị - tử - thần – điểm –
mặt, tên lừa bịp, vẫn sống nhăn như không. Giờ thì ngươi tiếp tục ma mị ta.
Ma mị gì chứ, ta có phải dễ bị lừa bởi những thứ ấy đâu. Rồi tử thần sẽ tìm
đến ngươi. Chẳng bao lâu nữa đâu.
“Tôi không nghĩ là tôi xứng đáng đâu, Ernest ạ,” tôi nói, thích thú vì gọi
ông bằng cái tên của mình mà tôi rất ghét. “Vả lại, Ernest, như thế coi
không được, Ernest ạ.”
“Chúng ta trùng tên à, lạ quá nhỉ?”
“Vâng, Ernest,” tôi nói. “Đó là cái tên cả hai ta phải sống cùng. Anh
hiểu ý tôi nói chứ, Ernest?”
“Hiểu, Ernest ạ.” Ông đáp. Ông tặng cho tôi trọn sự cảm thông buồn
buồn đầy chất Ailen, cùng sự trìu mến.
Thế là tôi vẫn luôn thân thiện với ông cũng như với tờ tạp chí của ông,
và khi bị bệnh xuất huyết phải rời Paris, ông nhờ tôi theo dõi khâu in ấn tạp
chí vì ở đó không ai biết tiếng Anh, tôi đã nhận lời. Tôi từng chứng kiến
một cơn xuất huyết của ông, không thể đùa được, nên tôi biết ông sẽ ra đi
ngay thôi, và tôi thấy hài lòng vì trong thời điểm khó khắn ấy của cuộc đời