Từ ngày phát hiện ra thư viện Sylvia Beach, tôi đọc tất cả các tác phẩm
của Turgenev, những gì in bằng tiếng Anh của Gogol, bản dịch các tác
phẩm của Tolstoi của Constance Garnett và những truyện của Chekov dịch
sang tiếng Anh. Hồi còn ở Toronto, trước khi chúng tôi đi Paris, người ta
bảo Katherine Mansfield là người viết truyện ngắn giỏi, thậm chí là một nhà
văn viết truyện ngắn vĩ đại, nhưng sau khi đã đọc Chekov thì cố gắng đọc
truyện của bà chẳng khác nào ngồi nghe bà vú già kể một câu chuyện sượng
sạo có lớp lang sau khi nghe chuyện do một ông bác sĩ thông thái khúc chiết
kiêm một nhà văn giản dị tài ba kể. Mansfield là một thứ gì đó gần như là
bia. Mà như thế thì thà uống nước lọc còn hơn. Trong khi Chekov không
phải là nước, ngoại trừ sự trong trẻo. Có một vài truyện như thể loại báo
chí. Nhưng có những truyện thật quá tuyệt vời.
Ở Dostoyevsky có những thứ tin được và không tin được, nhưng có
những thứ quá thật, thật đến nỗi khi đọc chúng con người ta thay đổi; ở đó
có sự mong manh và điên rồ, sự đồi bại và thánh thiện cùng những cơn say
bạc điên loạn, cũng như với Turgenev là phong cảnh và những con đường,
hay với Tolstoi là những cuộc chuyển quân, địa thế địa hình, sĩ quan lính lác
và những cuộc chiến. Tolstoi khiến những trang viết của Stephen Crane về
Nội chiến chỉ là trò tưởng tượng phong phú của một đứa trẻ ốm yếu chỉ biết
đến chiến tranh qua sách vở hay qua những tấm ảnh chụp của Brady mà tôi
từng thấy trong nhà ông bà tôi thời trước. Cho đến trước khi đọc được Tu
viện thành Parme của Stendhal, tôi chưa từng thấy ai viết về chiến tranh
thật như Tolstoi, nhưng những trang viết tuyệt vời về Waterloo của Stendhal
chỉ là ngoại lệ trong một cuốn sách đa phần là nhàm chán. Việc ta được hòa
mình vào một thế giới văn chương hoàn toàn mới lạ và có thời gian đọc
sách trong một thành phố như Paris, nơi có thể sống và làm việc thoải mái
bất kể giàu nghèo thế nào, chẳng khác gì được ban cho kho báu tuyệt vời.
Tôi có thể đem kho báu ấy theo cùng mình mỗi khi đi xa, từ vùng núi của Ý
và Thụy Sĩ cho đến