những gì tiền nhân đã nói trong nhiều thế kỷ trước đó. Cũng có một số ít
nhà phê bình có những ý kiến độc đáo và sâu sắc. Trong số này, tôi chọn
Cao Liêm, Cố Nghinh Viễn và Tạ Thiều Chế.
Cao Liêm không được thiên hạ biết đến như một họa sỹ. Ông là tác giả
một cuốn sách viết về việc vui sống gọi là Tuân Sinh Bát Bút, trong đó có
những Trích đoạn về ăn uống, thuốc thang, thú chơi cờ, vệ sinh cá nhân,
thuật thư giãn, và những tiện nghi của cuộc sống thư nhàn. Sách cũng có
những Trích đoạn về bảo quản tranh vẽ và nghệ thuật thưởng thức hội họa.
Ta có thể nói rằng ông đại diện cho quan điểm của người ngoại đạo, một
người yêu hội họa, nhưng không trong giới hội họa.]
Cao tử [Cao Liêm] nói với người mới nhập môn thì có “Sáu Phép tắc”,
“Ba Lỗi Lầm”, “Sáu Điều Cốt Lõi”, và “Sáu Điểm Mạnh”. Đó là những
điều mới chỉ đụng đến bên ngoài của việc bàn luận về hội họa.
Ta bàn về hội họa theo quan điểm tìm kiếm vẻ quyến rũ của thiên nhiên,
của đời sống con người, và của sự vật (thiên thú, nhân thú, vật thú). Cái
quyến rũ trong thiên nhiên liên quan đến cái thần; cái quyến rũ ở nhân quần
liên quan đến cuộc đời; cái quyến rũ ở sự vật liên quan đến hình và dạng.
Cái thần nằm ngoài hình và dạng, còn hình và dạng lại ẩn trong bầu không
khí của thần. Hình mà không có sự sống thì bẹt dí, nhưng sự sống mà có
hình tồi thì lung tung. Cho nên phải tìm đến cái giống về thần ở bên trên cái
giống về vật chất, và tìm kiếm sự sống ở bên trong cái hình của nó.
Cảnh xa tiết lộ được vẻ quyến rũ của thiên nhiên. Hình mà có thể nhìn
thật gần là cái quyến rũ của đời người.
Cho nên khi đứng ra xa bức tranh một chút thì có thể thấy những trái núi
trong tranh có những hình hiểm trở. Nhưng tranh mà không có cuộc sống
của rừng và các sườn dốc, hoặc chỉ là một tập hợp các đường nét không thể
hiện được cái chuyển động của gió, của người đứng người ngồi, của nét
động trong mắt trong môi trong chân họ, hoặc chỉ vẽ chim với lông cánh
đẹp đẽ mà không thấy chúng bay lượn hoặc kêu hót, hoặc chỉ vẽ hoa phô
sắc thắm mà chẳng gợi được hương thơm sương ngậm – tranh mà như thế
thì gọi là thiếu cái thần vậy.