khổ lớn treo trên tường cũng phức tạp hơn. Cuộn nó đem cất đi thì sợ bị
mối mọt ăn. Mở ra treo thì ngại nó bị ẩm mốc. Cho nên cuộn và mở tranh
phải rất cẩn thận, đặc biệt không nên phó mặc việc ấy cho gia nhân. Người
sành chơi thường chuộng giữ thư pháp hơn tranh. Mễ Phi có lần đổi mười
bức tranh cổ lấy một bức thư pháp cổ. Ông hiểu rõ việc ấy, sẵn lòng đổi thứ
này lấy thứ kia thấp giá hơn nhiều. Tranh cổ có thể sao chép dễ dàng, trong
khi thư pháp cổ thì vừa hiếm vừa khó xác định nguồn gốc.
Mễ Phi có lần đi cùng với Phạm Khuê đến chợ đồ cũ ở Lỗ Giang. Ông ta
trả 700 quan tiền mua được một bức tranh vẽ cảnh tuyết của Vương Duy.
Hôm ấy ông ta không mang theo tiểu đồng, đành phải đưa bức tranh cho
tiểu đồng của Phạm Khuê cầm hộ. Một lúc sau, hai thầy trò nhà họ Phạm
biến mất. Hôm sau Mễ Phi cho người đến xin lại bức tranh thì họ Phạm bảo
là đã gửi tranh đi Trường An để bồi. Mễ biết ngay là không thể đòi được,
đành coi như đã biếu nó cho Phạm. Cũng đáng đời Mễ thôi! Bản thân ông
thường dùng mẹo lấy đồ của người khác như thế. Có lần ông thấy một bức
thư pháp của Vương Hi Chi ở nhà Thái Lỗ Công, bày trò dọa nhảy xuống
nước để xin bằng được. Lại có lần được vua Huy Tông vời vào sao bức
tranh Ngàn Tự, lúc ra về còn dám lấy một nghiên mực bằng đá của nhà vua
giấu vào tay áo. Bị họ Phạm chơi một cú ấy cũng chưa đáng gì.
Tranh vẽ bị thiên hạ coi là có địa vị hơi thấp hơn thư pháp. Trước đời
Đường và Tống, họa sỹ chủ yếu vẽ thần, Phật, người, chim, thú, cây, cỏ để
mua vui và trang trí bình phong mành mành. Cho nên họa sỹ có địa vị thấp
trong xã hội. Cố Thạch Tuân và con trai ông thường căm giận vì bị coi
ngang hàng với đám nô tỳ. Lưu Ngữ là họa sỹ cung đình phải ở cùng với
đám thợ thủ công. Diêm Lập Bản, một họa sỹ vĩ đại, mà cứ phải túc trực
đợi triều định gọi lúc nào là phải vào lúc ấy; ông suốt đời không quên nỗi
tủi nhục ấy, mặc dầu tranh của ông được thiên hạ trọng vọng. Từ đời Tống
trở về sau, họa sỹ mới có được vẻ lãng mạn trong xã hội, nhưng vẫn chưa
thể gột sạch dấu vết thợ thủ công trong con mắt của thiên hạ.
Thư pháp có thể bảo tồn qua hàng nghìn năm. Tranh vẽ để được độ năm
trăm năm. Thư pháp thì giữ bằng cách dập giấy lên các bản khắc đá hoặc