sao chép lại, nhưng cái thần của nó cũng dần mất đi qua nhiều lần sao chép
như thế. Tranh thì giữ bằng cách bồi lại, nhưng bồi nhiều lần cũng làm hại
đến cái thần của nó. Thành danh bằng thư pháp thì dễ hơn một chút, nhưng
thành danh trong hội họa thì sống tốt hơn vì tranh vẽ thường cao giá hơn
thư pháp.
Có bảy thứ họa có thể xảy đến cho nghệ thuật hội họa và thư pháp. (1)
Giá bán quá cao, người thường không thể mua được. Kết quả là các tác
phẩm nghệ thuật đều rơi vào tay nhà giàu, nơi chúng thường bị lẫn lộn với
những đồ rởm vô giá trị. (2) Khi một gia đình quí tộc bị nạn và gia sản bị
tịch biên, toàn bộ các sưu tập tranh và thư pháp của họ bị ném vào kho của
triều đình cho mối mọt ăn, không ai còn được nhìn thấy chúng nữa. (3)
Đám tiện nhân sưu tầm nghệ thuật chỉ vì danh tiếng và đám môi giới
chuyên nghiệp đua nhau nâng giá, bất kể giá trị thật của món đồ. (4) Những
kẻ môi giới có uy tín và tiền bạc đều coi nghệ thuật chỉ là hàng hóa và hễ cứ
có lãi là bán, cho nên nghệ thuật đều bị rơi vào tay những kẻ phàm phu trọc
phú. (5) Tác phẩm nghệ thuật rơi vào tay phú hào thường bị khóa kĩ trong
hộp phủ đầy bụi như một thứ của nả cần phải cất kín, trong khi gia chủ chỉ
biết ăn nhậu ngập mày ngập mặt. (6) Những kẻ thừa kế vô học không để ý
gì đến những tác phẩm nghệ thuật trong gia tài của mình và hoàn toàn dửng
dưng khi chúng bị lấy trộm hoặc hỏa hoạn thiêu cháy. (7) Tác phẩm bị hư
hỏng vì bồi không đúng cách, làm mất hết vẻ tinh túy của nó; hoặc giả bị
sao chép lại khiến cho thật giả lẫn lộn. Ngoài những hiểm họa ấy ra, lại còn
có chuyện thất tán do chiến tranh và loạn lạc nữa. Lần nào đọc Câu chuyện
một bộ sưu tập cổ của Lý phu nhân, ta cũng thấy thật đau lòng. Hai vợ
chồng đã cùng nhau xây dựng bộ sưu tập ấy và may mắn có phương tiện để
làm việc đó, thế mà rồi cũng không thể duy trì nó như ý nguyện.
Học vẽ có thể khó hơn học thư pháp, mà cũng có nhiều nhà thư pháp hơn
là họa sỹ. Hễ đã là yếu nhân thì chỉ cần viết chữ đẹp hơn trung bình một
chút là thiên hạ đã coi là quí giá rồi. Cứ xem những văn sỹ lớn của đời
Tống thì thấy, những người như Vương An Thạch, Tư Mã Quang và người
em trai của Tô Đông Pha; thư pháp của họ thực ra đâu có gì phi thường,