nhưng thiên hạ vẫn đua nhau tìm mua và khen ngợi hết lời. Nhưng với hội
họa thì khác, không phải cứ vài nét bút là được, và không phải ai cũng vẽ
được đàng hoàng. Hai nghệ thuật này có khác nhau về kỹ năng và tài nghệ,
nên việc đánh giá chúng cũng phải khác nhau.
Từ đời Tấn – Đường cho đến đời Tống – Nguyên, các nhà thư pháp và
họa sỹ giỏi đều chủ yếu xuất thân từ quí tộc và hàng quan lại. Ẩn sỹ chỉ
chiếm chưa đến một phần trăm. Điều này cũng khó hiểu. Phải chăng biết
thư pháp và biết vẽ làm tăng giá trị và phẩm giá trong chốn quan trường?
Hay là hễ đã làm quan thì viết gì vẽ gì cũng thành hay? Hoặc giả thiên hạ
không biết đến những nghệ sỹ chân chính khác vì họ nghèo đói ẩn dật chốn
lều tranh và đến chết cũng không có bạn bè giúp đỡ tiến cử? Nếu quả như
vậy thì câu châm ngôn “Thà nghèo còn hơn giàu” của ta là không đúng rồi.
Dưới thời bản triều ta, có nhiều học giả không có chức vị gì mà vẫn nổi
danh vì các tác phẩm của họ. Có lẽ tại người làm quan ngày nay chỉ lo việc
tiến thân trong họan lộ nên không coi nghệ thuật là trọng nữa, và chỉ có
những ai lánh khỏi chốn quan trường mới có thể theo đuổi nghệ thuật cho
đến thành công. Nghĩ đến sự đổi thay ấy mà thấy buồn cho thời cuộc vậy.
Cổ nhân nói đến “lục pháp”: (1) khí vận sinh động; (2) dùng nét bút mà
dựng nên cấu trúc; (3) mô tả cho đúng hình và dạng của sự vật; (4) tô màu
cho thích hợp; (5) bố cục; và (6) sao chép và truyền lại. Thế mà chẳng có
thứ gì trong sáu món đó đả động được đến cái bí quyết của hội họa. Chúng
chỉ hướng dẫn được cho những họa sỹ vẽ chân dung và hoa điểu. Áp dụng
chúng vào hội họa ngày nay thì chẳng khác gì lấy vung vuông mà úp nồi
tròn.
Ta thường bật cười khi thấy đám hoạn quan và đàn bà lúc nào cũng hỏi
khi xem một bức tranh, rằng “Nó vẽ chuyện gì thế?” Thực ra, từ trước đời
Đường, tất cả những tranh nổi tiếng đều có chuyện của chúng cả. Để vẽ một
sự kiện lịch sử, họa sỹ phải có ý tưởng bố cục rất rõ ràng, và phải kiểm tra
tất cả các chi tiết như đồi núi, phố phường, thành quách, và trang phục, sao
cho đúng với lịch sử. Không thể cứ tùy hứng riêng của mình mà vẽ theo lối
“hiển ý” như ngày nay được. Trương Tăng Dụ, Triển Tử Kiền, Diêm Lập