Người học vẽ phải bắt đầu bằng học vẽ đá. Bởi vẽ đá là khó nhất và là
cách tốt nhất để học các loại nét bút khác nhau. Khi đã thành thục rồi, có
thể dùng kỹ năng ấy mà vẽ các đối tượng khác. Điều đó cũng giống như học
bố cục, tức là trước hết phải thành thạo các mô hình cấu trúc, những điểm
nối và chuyển tiếp giữa các biểu hiện khác nhau đã, rồi các ngôn ngữ thể
hiện sẽ tự nó xuất hiện sau. Khi vẽ đá, bí quyết thành công là ở việc nét bút
có linh hoạt và bột phát hay không, và có làm chủ hoàn toàn được dụng
mực hay không. Ai thành thục được hai việc đó thì chỉ cần vạch ra một
vòng tròn là nó đã hàm chứa sự sống của một hòn đá rồi vậy. Không có kỹ
năng ấy thì càng cố vẽ bức tranh càng chết cứng. Cho nên có thể thấy rằng
bí quyết chỉ là ở quan hệ giữa bút và mực.
Nét bút tả các vân mạch sâu của đá phải bò lan như rễ cây dưới nước, mà
lại phải như nét bút tả đài hoa lan. Nhưng mực phải rất khô và mỏng, đúng
như rễ cây và đài lan, mà lại phải hơi tròn trịa hơn. Không được quá nhiều
các nét dài, chỉ khoảng hai hoặc ba nét chạy dài kết hợp với các nét ngắn
hơn. Bởi những nét dài ấy cũng giống như các nếp nhăn chính trên mặt
người.
Người mới học khi xem một bức họa trước hết phải tự hỏi nó có dụng bút
tốt không, có dụng mực tốt không. Nếu không, đó không phải là một tác
phẩm hội họa, cho dù nó có bố cục giỏi đến mấy. Còn nếu có, thì việc bức
họa đó có nặng nhẹ nhiều ít thế nào cũng không thành vấn đề. Vì dụng bút
và dụng mực lão luyện có sức mạnh kỳ diệu khiến đường nét trong tranh
thành thú vị và sinh động, ngay cả khi họa sỹ còn chưa dày dạn kinh
nghiệm. Hãy tưởng tượng xem, một khi họa sỹ đã đi nhiều học rộng thì cái
lão luyện trong bút mực ấy sẽ hữu dụng đến bậc nào!