mặt của đá, đất hoặc vỏ cây mà chúng muốn mô tả hay không, còn thì mọi
thứ khác đều không có ý nghĩa gì hết.
Trong việc tạo dựng bề mặt của sự vật trong tranh vẽ, tôi nghĩ các kiệt tác
của Hạ Khuê và Mã Viễn có thể được gọi là loại tranh vẽ theo “sắc độ”. Cả
hai ông đều là thành viên của Họa Viện đời Tống và do đó thường bị coi là
các “họa sỹ kinh viện” với hàm ý khinh miệt. Đổng Kỳ Xương gọi họ là
“Bắc Phái”, và nói thêm rằng “chúng ta không nên học hỏi gì ở họ.” Thực
sự không thể nói đơn giản như vậy được. Vẻ thăng hoa của cảnh vật, cách
bỏ trống những mảng nền không quan trọng, việc sử dụng những nét bút
nhịp nhàng và giàu có, những mảng nhoè rộng rãi và tự do (kể cả mực màu)
và những nét bút rất tiết kiệm để tạo khối và chất liệu, tất cả những cái đó
kết hợp lại mới tạo dựng được một bức tranh “sắc độ” hài hoà tuyệt cảm mà
Hạ Khuê và Mã Viễn là những tác giả rất đặc sắc.
Nhìn tổng thể, có thể nói Mễ Phi là tác giả đầu tiên của họa phái sắc độ.
Họ đều nhất quán trong kỹ thuật dùng bút ướt, mô tả các dãy núi xa bằng
một mảng nhạt với cường độ khác nhau. Có vẻ như mục tiêu của họ là tạo
dựng một tâm trạng và một bầu không khí bao trùm. Mã Viễn, Hạ Khuê và
Nghê Toản sau này đã tạo dựng được bầu không khí tĩnh lặng của họ nhờ
việc dùng rất ít nét. Còn Đường Dần thì khác, ông sử dụng nét bút tả chất
nhiều và thoải mái hơn. Nhưng tựu trung họ đều dùng một gam màu nhạt có
sắc điều để tạo dựng các mảng khối khác nhau của sự vật. Họ kết hợp mảng
nhòe và nét khô ướt ở tất cả mọi mức độ khác nhau để truyền đạt sự chuyển
tiếp tinh tế của vạn vật.
Vì các họa sỹ Ấn Tượng Pháp (nhất là Cézanne – ND) dùng các nét viền
rất mạnh dạn, khác hẳn với lối vẽ “không xương” của các họa sỹ Phục
Hưng, nên tôi thường dùng từ “ấn tượng” để chỉ lối vẽ của Nam Phái. Một
hướng đi đặc biệt của các họa sỹ ấn tượng Nam Phái dẫn đến phong cách
“Văn họa”, còn gọi là “văn nhân họa” hoặc “sư nhân họa”. Trong sách này,
tôi gọi phong cách “văn nhân họa” là phong cách “biểu hiện” –
expressionist. Từ này đúng và chính xác vì theo lời Tô Đông Pha và Nghê
Toản, mục đích của vẽ chỉ là để “biểu hiện tâm trạng hoặc cảm xúc của