Trích đoạn 1.
Thế kỷ 6 trước CN
Khổng Tử
551-479 trước CN
“PHẤN TRẮNG SAU CÙNG”
Tử Hạ nói, “Ý nghĩa của dòng này [trong Kinh Thi] là gì vậy? Nó nói,
“Nụ cười của nàng mê mẩn làm sao! Cặp mắt nàng lôi cuốn làm sao! Và
son phấn thật đã hoàn chỉnh diện mạo nàng.”
Khổng Tử đáp, “Trong nghệ thuật hội họa, người ta dùng phấn trắng sau
cùng.”
“Thầy muốn nói lễ phải là cái đến sau cùng chăng?”
“Này anh Sang, điều anh nói nghe được đấy. Ta có thể bàn Kinh Thi với
anh được rồi.
Luận Ngữ, Tập III
[Đây là bút tích xưa nhất đề cập đến hội họa, bình phẩm chân dung một
mệnh phụ phu nhân và nhận xét về nghệ thuật vẽ. Trong bài thơ, “son phấn”
có tác dụng hoàn chỉnh “diện mạo” của người đàn bà, cũng như phấn trắng
tạo sự hoàn chỉnh cho bức tranh. Khổng Tử rất phấn khởi khi thấy Tử Hạ đã
hiểu ra rằng lễ chỉ là lớp son phấn có tác dụng làm hoàn chỉnh những giao
tiếp và hành xử trong xã hội mà thôi, còn toàn bộ ứng xử của con người
phải dựa trên nền tảng của đạo đức. Trong hội họa Trung Quốc, người ta
thường dùng phấn trắng để làm dịu nhẹ sắc độ của các nét bút mực, nhất là
khi mô tả sương mù. Trương Tăng Dụ và Mễ Phi thường dùng kỹ thuật
này.]