họa sỹ đều có vài lời bình phẩm của Tạ Hách. Họa Phẩm là loại sách đặc
biệt, đánh giá phân loại các họa sỹ, các đời sau này đều bắt chước làm. Điều
thú vị là Lục Thám Vi thường được các sách Họa Phẩm coi là “một mình
một hạng, cao hơn hết thảy”. Bản thân tôi không phản đối gì ý kiến này vì
quả thực ông đứng đầu những người giỏi nhất, nhưng tôi vẫn muốn xếp ông
vào cùng các họa sỹ Hạng Nhất mà thôi. Ba người nữa thuộc Hạng Nhất là
Tào Bát Hưng (thế kỷ 3), Vệ Hiệp (thế kỷ 4) và Trương Mực. Cố Khải Chi
được xếp Hạng Ba, bị Diêu Tối đời Trần (thế kỷ 6), vốn là người bái phục
họ Cố, phản đối kịch liệt. Nhiều tập tiếp theo của sách Cổ Họa Phẩm Lục
đã được biên soạn trong các thế kỷ tiếp theo.
Tạ Hách cũng được mô tả là một họa sỹ xuất sắc có phong cách hiện thực.
Nên lưu ý rằng sáu phép tắc ở đây, trong nguyên văn chữ Hán là hai chữ
“lục pháp”, “lục” là sáu và “pháp” là “phép”. Có nhiều dịch giả phương Tây
dịch chữ “pháp” này ra tiếng Anh là “canon”, nghĩa là “thánh luật” hoặc
“khuôn vàng thước ngọc”, cũng là một cách hiểu phóng khoáng. Tạ Hách
dùng chữ “pháp” ở đây với đúng nghĩa “phép tắc”, là những gì mà người
họa sỹ phải noi theo cho bằng được. Không nên hiểu đây là 6 tiêu chuẩn kĩ
thuật đơn thuần. Vì “đệ lục pháp” (phép tắc thứ sáu) là việc họa sỹ phải học
tập sao chép các tác phẩm của những bậc thầy tiền bối, hoàn toàn không
phải là một tiêu chuẩn kỹ thuật. Ta cũng lưu ý rằng Tạ Hách chỉ điểm qua
“lục pháp” của hội họa như vậy thôi chứ không giải thích rõ hơn.
“Lục pháp” của Tạ Hách có ý nghĩa lớn lao ở chỗ tất cả các thế hệ hội họa
Trung Quốc đều lấy “đệ nhất pháp” của ông làm mục tiêu hàng đầu trong sự
nghiệp của mình. Nhiều họa sỹ ngày nay cho rằng hai phép tắc đầu tiên của
Tạ Hách là thiết yếu, còn những cái sau chỉ là hệ quả tất nhiên mà thôi.
Phép tắc thứ nhất của hội họa Trung Hoa mô tả đúng điều mà họa sỹ phải
đạt được, hoặc nói cách khác, mô tả đúng mục tiêu chính yếu của hội họa.
Trong nguyên bản, Tạ Hách dùng bốn chữ “khí vận sinh động”. Bốn chữ
này đã từng gây nhiều khó khăn cho các dịch giả phương Tây. Sau đây là
một số ví dụ về cách dịch của các tác giả khác nhau:
Osvald Sirén: Resonance of the Spirit (cộng hưởng tinh thần); Movement
of Life (Chuyển động của sự Sống) – sách Early Chinese Painting (Sơ kỳ