Trích đoạn 8.
Thế kỷ 8
Vương Duy
699-759
THỂ THỨC TRANH PHONG CẢNH
(Sơn Thủy Luận)
[Bài viết sau đây, thường được coi là của Vương Duy, người “sáng lập”
Nam Phái, đưa ra một số nhận định quan trọng về bố cục và những thể thức
khác của tranh phong cảnh vẫn thường được các tác giả khác trích dẫn.
Thực ra cũng không ai khẳng định được bài này là của Vương Duy, một thi
sỹ và họa sỹ nổi tiếng. Có một số nhà biên tập cho đây là bút tích của Kinh
Hạo (xem Trích đoạn 10), nhưng ý kiến này có vẻ khó thuyết phục hơn. Có
điều, ai cũng phải thừa nhận rằng trong nhiều thế hệ kế tục nhau, các họa sỹ
đời Đường đã noi theo các thể thức phong cảnh này của Vương Duy.
Nguyên văn bài này có nhiều phần là văn vần.]
Khi vẽ phong cảnh, ý tưởng [về hình thức và nhịp điệu] sẽ dẫn dắt đầu
bút. Núi cao mười trượng, cây cao một trượng, ngựa một bộ, người một
thốn. Mặt người ở xa không thấy mắt; cây xa không thấy cành. Núi xa
không thấy đá, chỉ là một nét cong như cánh lông mày; nước xa không thấy
gợn sóng, mà lên đến tận mây ở phía chân trời. Đó là những thể thức phải
theo.
Phần dưới núi bị mây che phủ; vực đá có suối chắn. Cây cối che khuất
phần nào nhà cửa và người che khuất lối đi. Một tảng đá phải cho thấy được
ba bề của nó, và một con đường phải có đầu vào lối ra. Với cây cối, phải để
ý hình dáng ngọn cây; vẽ nước phải để ý chiều gió thổi. Đó là những thể
thức phải theo.
Trong phong cảnh – những đỉnh núi bằng phẳng gọi là điền; một rặng đồi
nối hai trái núi với nhau gọi là lăng; một khe cắt trên đường đỉnh núi gọi là
tụ; một vách đá dựng đứng gọi là ải; một thung lũng hẹp có đá tảng gọi là
xuyên; một lũng núi kín gọi là hách; một con suối chảy giữa hai sườn núi