Cảnh sáng sớm, các trái núi dường như hiểu rằng một ngày mới đang
đến, sương mù nhè nhẹ hình như đang rùng mình, trong lúc vầng trăng
muộn phai dần đi trên vòm trời. Buổi ác lặn, một đĩa tròn màu đỏ ngự trên
các đỉnh núi, những con thuyền nằm bên bờ sông hoặc đảo nhỏ với những
lá buồm đã hạ xuống; người ta rảo bước về nhà cho kịp bữa tối, và cánh
cổng rào ngoài vườn nửa đóng nửa mở.
Mùa xuân, sương mù có thể trải khắp quang cảnh trong tranh trong khi
khói bếp lửng lơ trên những nóc nhà. Có những dải mây trắng kéo dài, nước
nhuốm màu xanh da trời và các sườn núi dường như có màu xanh lá cây.
Mùa hạ, những ngọn cây cao che khuất trời, mặt nước xanh lá cây yên tĩnh;
các con thác đổ xuống từ những mỏm cao chót vót, và một ngôi đình tạ
đứng đơn côi trên mặt nước gần đó. Mùa thu, trời tai tái như nước; rải rác
đây kia có những khóm cây vắng vẻ, trong lúc những con cò sải cánh bay
trên mặt nước thu, qua những cù lao đầy lau lách và những bờ cát trải dài.
Mùa đông, tuyết phủ đầy mặt đất, tiều phu vác củi dấn bước trong tranh, và
thuyền đánh cá thảy đều neo buộc vào bờ, thấy rõ là nước cạn và những bờ
cát phẳng lì. Tranh phong cảnh bao giờ cũng phải tính đến bốn mùa. Có thể
đặt tên tranh là “Lạc giữa mây mù”, “Mây về trú trên núi Chu”, “Trời thu
một sáng quang mây”, “Mộ chí vỡ trong nghĩa địa xưa”, “Sắc xuân trên hồ
Động Đình”, “Lạc giữa nơi vô định”, vân vân.
Các đỉnh núi phải vẽ khác nhau. Ngọn cây cũng vậy. Cây là áo của núi.
Núi là giá của cây. Không nên vẽ nhiều cây quá mà che mất núi; núi không
nên loạn hàng lối mà phải xắp xếp sao cho chúng làm lộ được thần thái của
cây. Ai làm được những điều này có thể được gọi là người biết vẽ phong
cảnh vậy.
[Sách Khố Đề Yếu, một cuốn sách phê bình văn học có uy tín trong đời
Mãn Thanh, cho rằng Vương Duy không thể viết về hội họa với âm điệu và
câu chữ long lanh như thế này. Nhưng tôi không đồng ý với họ. Vương Duy
bản thân là một thi sỹ và một họa sỹ, tại sao lại không thể như thế? Đây là
một sai lầm phổ biến trong sách Khố Đề Yếu.]