Số phận những bộ sưu tập từ xưa đến nay
Có thể ghi chép nguồn gốc các tranh vẽ từ đời Tần và đời Hán (thế kỷ 3
trước CN đến thế kỷ 2 sau CN). Các đời Ngụy và Tấn (thế kỷ 3 và 4) có
những danh họa xuất sắc. Thời Nam Bắc Triều (thế kỷ 5 và 6) có nhiều bậc
thầy ra đời như Tào Bát Hưng, Vệ Hiệp, Cố Khải Chi và Lục Thám Vi, rồi
về sau là Đổng Bá Nhân, Triển Tử Kiền, Tôn Thượng Tử và Dương Tử
Hoa. Các danh họa của hai gia đình Trương Tăng Dụ và Trịnh Pháp Sỹ rất
được trọng vọng trong đời nhà Tùy (589-617); còn anh em Diêm Lập Bản
và Diêm Lập Đức thì thành danh từ buổi đầu tiên triều (nhà Hán, thế kỷ 7).
Đó là những danh họa nổi bật nhất, được thiên hạ đều biết đến. Ta cũng
không cần phải nói đến tất cả các họa sỹ có tiếng khác ở đây.
Hán Vũ Đế (140-87 trước CN) có nhà chứa sách để lưu trữ văn cảo lịch
sử và tranh vẽ. Hán Minh Đế (năm 58-75) là vị vua yêu thích hội họa và
xây cả điện riêng chỉ để treo tranh. Ông còn lập ra Hồng Từ Đại Học để làm
nơi quy tụ họa sỹ trong thiên hạ và đào luyện nghệ sỹ. Trong những năm có
loạn Đổng Trác (năm 189) và cuộc rời đô về Trường An, lính tráng lấy cả
tranh lụa để gói ghém hành trang. Có hơn bảy mươi xe chở đầy tranh và
họa bản theo xa giá về phía Tây, nhưng dọc đường mưa gió, bị hỏng và bỏ
lại dọc đường mất hơn một nửa. Nhiều bộ sưu tập tranh vẽ từ đời Ngụy –
Tấn rất đẹp mà cũng bị lửa cháy mất cả trong cuộc xâm lăng tàn hại của
quân rợ ngoại tộc (khoảng năm 316).
[Năm 316 đánh dấu buổi suy tàn của nhà Tây Tấn và mở đầu của nhà Đông
Tấn. Từ đó cho đến năm 589, Trung Quốc rơi vào thời kỳ tao loạn với các
vương triều ngắn ngủi kế tiếp nhau. Vùng lãnh thổ phía bắc sông Dương Tử
nằm dưới quyền cai trị của rợ ngoại bang trong tình trạng tranh giành quyền
lực hỗn loạn và liên miên cho đến khi được bình định và thống nhất lại dưới
quyền nhà Bắc Ngụy vào năm 439. Các vương triều cai trị vùng lãnh thổ
phía nam sông Dương Tử, vẫn gọi là Nam Triều, bao gồm các nhà Đông
Tấn, Nam Tống, Nam Tề, Lương, và Trần, nhưng lúc nào cũng có giặc giã
và phản loạn của đám tướng võ, như sẽ thấy trong đoạn tiếp theo.]