những chủ đề của hội họa, khó nhất là vẽ người, thứ đến phong cảnh, rồi
đến chó ngựa. Còn nhà cửa thì hình thể tĩnh tại cho nên dễ vẽ.” Thần thánh,
ma quỷ và người đều có sinh khí vận động, cho nên vẽ phải có tâm trạng và
động thái cho đúng. Nếu chỉ vẽ được cái vẻ giống bên ngoài mà thiếu sắc
thái và không khí sinh động, hoặc giả màu sắc thì tốt mà nét bút kém lực,
thì bức tranh vẫn chưa thể coi là đạt. Như Hàn Phi đã nói, “Vẽ ma quỉ dễ,
vẽ chó ngựa khó, vì ai cũng biết chó ngựa trông thế nào, còn ma quỉ có thể
dị dạng tùy ý.”
Về bố cục, phải nói rằng nó là yếu tố quan trọng mọi bề. Khó luận bàn về
các bậc thầy như họ Cố và họ Lục, vì tranh vẽ của họ lưu truyền lại còn rất
ít. Nhưng có thể coi Ngô Đạo Tử là người tinh thông được cả sáu phép nên
mới vẽ cái gì cũng được và thâm nhập thiên nhiên như thể tay ông có thần
thánh dẫn dắt vậy. Cho nên tranh ông có sắc thái phong phú và mạnh mẽ,
dường như cái gì cũng như đang nhảy ra khỏi mặt lụa. Nét bút của ông tự
do mà không hề bừa bãi, cứ vung bút lên tường như trát vữa, thế mà càng
nhìn càng thấy không có chi tiết nào là không đúng. Nói nghệ thuật của ông
phi thường là như vậy.
Việc sao chép chỉ đơn thuần là một phần rất nhỏ trong công việc của họa
sỹ. Hiềm một nỗi, các họa sỹ ngày nay bằng lòng với việc sao chép cho
đúng vẻ bề ngoài mà không tái tạo lại được cái thần thái, cũng như tô màu
mà không để ý đến bút pháp vậy. Làm sao có thể gọi đó là hội họa?
Chao ôi, hội họa đã đang suy thoái mất rồi. Cố Tấn Chi đời Tống (thế kỷ
5) làm nhà vẽ trên gác cao và thường rút thang để người nhà không thấy
được mình. Ông vẽ vào những hôm quang quẻ, mà thôi vẽ ngay khi trời âm
u. Họa sỹ bây giờ hòa mực với bụi và hòa màu với bùn. Họ không vẽ, mà
chỉ bôi bẩn mặt lụa. Những danh họa từ xưa đều là dòng dõi kẻ sỹ có tinh
thần khinh ghét thói thường và cốt khí cao quí, xuất chúng hơn người, nên
mới có thể lưu danh mai hậu. Hội họa không phải là điều mà kẻ tiện nhân
ngoài đường có thể mưu cầu mà được.