nên tranh nguyên tác mỗi ngày một hiếm hoi. Chẳng phải đáng buồn lắm
sao?
Tranh và thư pháp chỉ nên giao cho những ai thực sự yêu quí chúng cất
giữ. Chớ nên giở tranh ra xem nơi gần lửa, chỗ gió lùa, khi ăn uống nhậu
nhẹt, hoặc chưa rửa tay chân sạch sẽ. Có lần Hoàn Huyên lấy tranh và thư
pháp ra cho khách xem. Một người khách, không phải là kẻ chuộng nghệ
thuật, giơ tay sờ một bức tranh trong khi đang cầm bánh ăn, làm ố bẩn một
vết dài. Hoàn Huyên giận không nói được. Từ bấy giờ bắt tất cả những ai
muốn xem tranh phải rửa tay thật sạch đã. Phòng xem tranh phải có một
chiếc bàn rộng phẳng phiu, mặt bàn phải lau chùi sạch sẽ trước khi trải cuộn
tranh lên đó. Với những cuộn tranh lớn, phải làm giá đỡ đàng hoàng.
Thường xuyên mở các cuộn tranh ra sẽ tránh cho chúng khỏi bị hỏng vì ẩm.
Từ nhỏ ta đã học được việc coi giữ các cuộn tranh và thư pháp, biết xếp
chúng cho ngăn nắp và thưởng thức vẻ đẹp của chúng. Ngày đêm ta đã làm
việc đó. Mỗi khi có được một tác phẩm mới cho bộ sưu tập của nhà, ta sẽ cả
ngày loay hoay chỉnh đốn và thưởng thức nó. Nếu biết có người muốn bán
tranh tốt, ta thường phải bán cả quần áo và nhịn ăn để có tiền mua cho bằng
được. Người nhà và gia nhân thường cười ta, ai cũng bảo “Sao ngươi cứ lụi
hụi cả ngày vào thứ việc nhàn cư đến thế?” Ta lại bảo rằng “Nếu không lụi
hụi nhàn cư như vậy, làm sao ta có thể tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi này?”
[Những đoạn không dịch trong sách này là:
Chữ kí và lạc khoản.
Công triện và tư triện của các thời đại.
Bồi tranh và đánh số tranh.
Bích họa trong các đền đài ở lưỡng kinh và các vùng quê.
Danh sách các bức họa vô danh nổi tiếng.
Nhiều thông tin loại này đã có trong bài viết của Mễ Phi, xin xem Trích
đoạn 14.]