Trích đoạn 10.
Thế kỷ 10
Kinh Hạo
khoảng năm 920
NÓI CHUYỆN PHƯƠNG PHÁP
(sách Bút Pháp Chí)
[Đến đây chúng ta đã sang thế kỷ thứ 10, thế kỷ chứng kiến sự phát triển
đầy đủ của thể loại phong cảnh điển hình của hội họa Trung Quốc. Trong
thời Ngũ Đại (907-995), tranh phong cảnh đã có phong cách lớn lao và
chiếm được một địa vị quan trọng mới mẻ để rồi từ đó ngự trị nền hội họa
Trung Hoa cho đến tận ngày nay. Trong số các danh họa của thế kỷ này,
Kinh Hạo và đồ đệ là Quan Đồng là những người đầu tiên, rồi đến Đổng
Nguyên, Cự Nhiên, Lý Thành và Phạm Khoan vào những thập kỷ đầu của
triều đại nhà Tống. Những cái tên Kinh-Cự-Lý-Đổng đã trở thành đại diện
cho đỉnh cao của phong cảnh. Họ thành một nhóm rất giống nhau hoặc gần
nhau về phong cách mà sau này các bậc thầy thời hậu Nguyên và Minh đua
nhau học tập và bắt chước. Kinh Hạo sống qua giai đoạn biến cải từ nhà
Đường sang Hậu Lương. Ông lấy hiệu là Hùng Cúc Tử, là một địa danh
được ông nhắc tới trong câu mở đầu của đoạn này.]
Ta có nhiều mẫu đất ở Hùng Cúc trong núi Đại Hằng, và làm ruộng sống
ở đó. Một hôm, ta lên núi Thẩm Thành ngắm cảnh. Chẳng mấy lúc, ta thấy
mình đứng trong bóng râm của một khối đá khổng lồ mở ra như cánh cửa.
Lối mòn phủ đầy rêu còn đẫm sương, và những tảng đá hình thù kì lạ chênh
vênh dốc ngược trong sương khói. Ta đi tới nữa và thấy một khoảnh rừng
thông cổ thụ, có những cây thân gốc lớn dị thường. Vỏ chúng xanh rêu và
như vẩy cá, thân vươn thẳng cao vút lên trời. Nơi những cây thông ấy mọc
thành đám rừng thưa, không khí thật thanh khiết và tràn đầy sự sống. Cũng
có những cây thanh thản đứng riêng ra một cõi. Có cây rễ xoắn xuýt trồi lên
khỏi mặt đất. Có cây đứng vươn tán trên một thác nước. Chúng mọc theo