hai bờ sông, bám cả vào những khe nứt của vách đá, và phủ đầy rêu xanh.
Ta kinh ngạc xiết bao, chỉ biết ngắm nhìn không chán mắt.
Ngày hôm sau, ta mang bút vẽ trở lại nơi ấy. Phải vẽ đến hàng nghìn lần,
ta mới bắt được cái thần của cảnh.
Mùa xuân năm sau, ta gặp một lão trượng tại Thạch Tang Trống. Ông lão
hỏi ta đang làm gì và ta nói rằng ta đang vẽ. Lão bèn nói “Vậy ngươi có biết
về bút pháp chăng?”
“Thưa lão trượng, một kẻ phàm phu như con làm sao biết bút pháp là gì.”
“Vậy ngươi có biết ta đang muốn tiết lộ cho ngươi điều gì chăng?”
Ta vừa lúng túng vừa kinh ngạc, chẳng nói được nên lời.
Lão trượng bèn nói: “Này, ngươi là một thiếu niên tốt lành, nên hãy nghe
đây, và hãy học lấy. Có sáu điều thiết yếu trong hội họa. Thứ nhất là khí,
thứ nhì là vận, thứ ba là tư, thứ tư là cảnh, thứ năm là bút, và thứ sáu là
mực.”
Ta đáp: “Họa tức là họa, nghĩa là đồ lại sao cho giống thì thôi, làm sao
phải lắm điều như vậy?”
“Ngươi lầm rồi. Đúng là họa có nghĩa là họa lại. Nhưng không được
nhầm lẫn cái bề ngoài với cái chân thực. Phải nhận ra cái hình và cái chân
của sự vật. Khi chưa nhận ra điều này, ngươi chỉ vẽ giống mà không họa
được cái chân vậy.”
“Xin lão trượng nói rõ hơn về cái giống và cái chân?”
“Giống là khi ngươi vẽ được đúng hình của sự vật nhưng thiếu mất cái
khí của nó. Chân nghĩa là khi ngươi họa được cả hình dạng và thần khí vậy.
Hình mà thiếu khí thì chỉ là hình chết mà thôi.”
Ta vội vàng tạ lỗi ngu dốt, rồi đánh bạo nói: “Thư pháp và hội họa là việc
của các nhà thông thái, hậu bối chỉ là kẻ nông phu mà dám mạn thượng thử
bút, thất bại là đáng lắm rồi. Dám xin lão trượng dạy bảo cho, liệu hậu bối
có thể khi nào làm nổi chăng?”