Lão trượng nói: “Lòng dục của người ta là vực thẳm ở đời. Chỉ có các
bậc hiền giả mới biết tìm thú vui trong âm nhạc và hội họa. Ngươi là kẻ có
hạnh, nên gắng sức và chớ nản lòng. Ta bảo ngươi, trong sáu cái thiết yếu
của hội họa. Khí nghĩa là cái thần luôn vận động, dẫn dắt và điều khiển
hoàn toàn ngọn bút. Vận nghĩa là gợi được cái hình mà không cần phải đầy
đủ mọi chi tiết, là tạo được ấn tượng mà không bị tầm thường cẩu thả. Tư
nghĩa là ngẫm nghĩ để hiểu thấu cái muốn vẽ và cách bố cục cho xứng hợp.
Cảnh nghĩa là để mắt đến bốn mùa thay đổi và nhận cho ra cái chân của sự
vật. Bút nghĩa là bút pháp, cách sử dụng bút, đưa nó đi theo luật định, mà
vẫn biết đồng thời điều chỉnh và thay đổi. Bút pháp không phải là nội dung,
cũng không phải là hình thức. Nó là chuyển động, là một chuyến bay vậy.
Còn Mực, hoặc cách dùng mực, sẽ cho những sắc độ đậm nhạt khác nhau
để tạo cảm giác về vị trí và độ sâu nông của sự vật và nhờ vậy mà có được
một hình thức tự nhiên. Mực có vẻ như không phải ở bút mà ra.”
Sau một lúc im lặng, lão trượng lại nói: “Có cả thảy bốn hạng: Thâm,
nghĩa là lão luyện; Diệu, là tuyệt vời; Kỳ, là khác thường; và Xảo, là tinh
xảo. Vẽ dễ như không mà vẫn bắt được đầy đủ cái hình hồn nhiên của tạo
hóa, ấy là Thâm hạng lão luyện. Có thể thâm nhập vào đến bản chất của
muôn vật rồi vẽ ra được hình và phong cách của chúng cho thật đúng, ấy là
Diệu hạng tuyệt vời. Vẽ ra những cái bất ngờ của cảnh thật, thậm chí làm
biến dạng sự vật, là Kỳ hạng khác thường. Hạng này có bút pháp hay,
nhưng thường yếu về tư duy. Còn hạng Xảo có thể vẽ ra những thứ xinh xắn
và làm ra bộ như hiểu biết phép tắc cả rồi; họ cố vẽ cho thật kỹ, rồi biện hộ
lý giải để gây dựng danh tiếng. Hạng này biểu diễn giỏi mà phẩm chất
chẳng có gì.
“Đường bút có bốn phẩm chất khác nhau: gân, thịt, xương, lực. Khi nét
bút đứt đoạn mà vẫn như liền nhau qua các khoảng trống của nó, ấy là nét
gân. Khi nét bút di chuyển đầy đặn trọn vẹn từ đầu đến cuối, ấy là nét thịt.
Khi nét bút đi thật khỏe và thẳng, ấy là nét xương. Còn khi không có một
nét nào yếu, ấy là đường bút đã có lực vậy. Cho nên quá lạm dụng mực thì
hỏng hình; đậm nhạt không đủ độ thì thiếu lực; nét gân chết thì hỏng nét