Đến khi bắt tay vào dịch tôi mới thấy là mình dại! Than ôi, cụ Lâm Ngữ
Đường dịch từ Hán văn ra Anh văn, nay tôi lại dịch từ Anh văn ra Việt văn,
là một thứ tiếng rất gần với Hán văn, làm sao cho khỏi tam sao thất bản.
Nguyên chuyện tầm tra các âm Hán của những phiên âm Latin theo kiểu
Đài Loan mà cụ Lâm sử dụng trong những năm 1960 cũng đã khổ rồi. Đọc
tiếng Anh có thể cứ mặc kệ những pi-yung và mo-hua đấy mà vẫn sướng,
chứ sang tiếng ta thì dứt khoát phải chua ra thành bút ung và mực hóa, rồi
giải cho rõ nghĩa, thì mới truyền đạt được giá trị và vẻ đẹp của các khái
niệm ấy đến với người đọc Việt. Cũng may là hồi trẻ tuổi tôi cũng võ vẽ học
chữ Hán với cụ Lê Tư Lành (xin cầu cho cụ được yên nghỉ) được một thời
gian, thành thử đọc cách dịch của cụ Lâm cũng cảm được phần nào hơi văn
và từ ngữ Hán trong nguyên tác. Nhóm xuất bản lại cam đoan sẽ có các
chuyên gia giúp hiệu đính. Cho nên công việc lúc mới thì nặng nhọc, sau
cũng được thư thái và vui vẻ hơn, đến những phần cuối thì lại còn thấy
mình say sưa trong những luồng tư tưởng cao nhã cổ kính của họ. Nhưng
cũng xin độc giả lượng thứ cho chút lộng ngôn như thế, vì tôi cũng tự biết
rằng không thể tránh khỏi sai lầm, rất mong được chỉ bảo.
Cụ Lâm Ngữ Đường đã có rất nhiều ghi chú, không những để giải thích
thêm, mà còn nói rõ cả quan điểm riêng của cụ về từng vấn đề. Nhưng khi
gặp những chỗ cần nói thêm, tôi vẫn mạo muội có ghi chú riêng của mình
để công việc được thỏa đáng hơn. Những ghi chú của tôi có đề (ND). Nếu
chúng có sai lầm gì là hoàn toàn do lỗi ở tôi.
Xin cảm ơn nhóm xuất bản đã tiếp tục tin tưởng ở tôi, và xin cảm ơn tiên
sinh Nguyễn Văn Cường, người đã hấp thụ văn hóa Trung Hoa từ trong
trứng nước, đã bắt đầu chỉ giáo Hán tự cho tôi từ khi chúng tôi còn ở
Thạch Lâm, Côn Minh hơn ba chục năm trước đây, và đã trực tiếp giúp đỡ
tôi trong việc tầm tra các phiên âm Latin chữ Hán trong cuốn sách này.
Còn bây giờ, xin bạn đọc bảo người nhà pha cho một ấm trà ngon, rồi
thong thả ngồi một nơi mát mẻ mà lật trang.
Trịnh Lữ