khuân đồ đạc bắt gặp nước đã liếm lên đáy nôi mà tôi thì cứ nằm yên ngon giấc. Bác công nhân này
vội vàng ôm tôi trùm trong chiếc áo mưa, bỏ cả đồ đạc lội về phía thành phố, cứu tôi khỏi bị nước
cuốn đi. Lúc bấy giờ cha mẹ tôi hoảng hốt nhớ lại chiếc nôi không biết nước có dâng cao hơn không,
vội vã chạy về thì dọc đường gặp bác công nhân đang ôm tôi vào lòng, chạy về hướng thành phố.
Thật hú hồn và ai cũng bảo là mạng tôi lớn, nếu không đã bị nước cuốn đi mất rồi. Sau này mỗi lần
gặp tôi, bác ấy thường nhìn tôi cười và nói:
- Không có bác thì nước lụt đã cuốn mất cháu đi rồi.
Lụt bão làm hư hại mùa màng, gây ảnh hưởng lớn ở các vùng nông thôn lân cận, vì vậy sự tiếp tế
cho các đảng viên cũng gặp nhiều khó khăn, không đủ tiền để nuôi các đồng chí trong tù, không có tiền
để giúp một số thành viên phong trào Duy Tân trốn ra nước ngoài và cũng không có tiền để một số cán
bộ nữ làm kinh tài. Trong khi làm việc ở hãng Sica, cha tôi đã xin vào Đảng Phục Hưng, lúc bấy giờ
do bác Phan Thành Tài phụ trách. Theo mẹ tôi kể lại thì mấy chú mấy bác đảng viên lấy nhà của cha
tôi làm chỗ liên lạc. Mỗi tháng bác Phan Thành Tài (cha của ông Phan Bá Lân và Phan Thuyết, Phan
Kình, Phan Út) mang tiền từ Quảng Nam ra giao cho cha tôi (do tánh cha tôi liêm khiết, cẩn thận, ngăn
nắp, kín đáo, nên Đảng đề nghị cha tôi giữ tiền, tức là làm thủ quỹ cho Đảng), sau đó có người đến lấy
để lo công việc tiếp tế cho đồng đội. Mẹ tôi nói, bác Thành Tài nhét tiền trong một cái ruột tượng dài
mang quanh người, ăn mặc rách rưới, đầu đội nón lá, đi bộ từ Quảng Nam ra, đi dọc theo đường rầy
xe lửa, ngụy trang như một người đi ăn xin ra tỉnh tìm việc làm. Các bác các chú mỗi lần đến gặp cha
tôi rất thương tôi, ẵm bồng nâng niu và không khỏi lo lắng cho cha tôi, e rằng công việc khó qua mắt
bọn Tây mật thám và tôi sẽ mất cha khi còn quá nhỏ. Những chú còn trẻ chưa lập gia đình, chưa có
con thì thương tôi như con. Các bác đã già như bác Tám Vận, bác Thành Tài thì con cái đã lớn, xem
cha tôi như em út và mỗi lần đến là nuông chìu tôi, cho quà cho bánh.
Thế rồi cuối năm Ất Mão, bác Thành Tài trong một chuyến đi liên lạc các nơi bị mật thám bắt. Bác
nhất định không chịu khai và bị kêu án tử hình. Việc này làm một số đồng chí phải trốn chui trốn nhủi.
Bác Tám Vận sai người bí mật bảo cha tôi phải cho mẹ tôi ẵm tôi về quê nội (Hội Sơn, một làng ở
cách Hội An hai giờ đò dọc) sống với ông bà nội tôi. Một mặt khác, các bác khuyên cha tôi thu xếp
nhà cửa gọn gàng đâu vào đó, như là nhà của một kẻ độc thân, bao nhiêu giấy tờ liên quan đến Hội,
danh sách các đồng chí đều đốt hết. Ban đêm ba tôi ôm sách đi học tiếng Pháp với tụi lính Tây trong
đồn như cũ, như không có chuyện gì xảy ra.
Khi mẹ tôi ẵm tôi về quê nội rồi thì cha tôi liền thủ tiêu hết tất cả giấy tờ quan trọng, dọn dẹp nhà
cửa gọn gàng. Trong khi ấy bác Tám Vận và nhiều bác khác bị bắt, bị tra tấn nhưng không ai khai ra
cha tôi. Tuy vậy, lính mật thám vẫn đến xét nhà cha tôi vì biết cha tôi có quen với bác Thành Tài. Tụi