HỒI KÝ BÀ TÙNG LONG - Trang 13

của anh người nào cũng có bằng cử nhân, bằng tú tài và cả các con của các anh này đều học rộng, tài

cao, hiện giờ một số vẫn làm nghề giáo. Sau này vào khoảng năm 1930, anh Lân mở trường tư thục

Chánh Thanh ở Sài Gòn và thu hút được nhiều giáo sư giỏi về dạy. Trong số ấy có ông Phan Khôi dạy

Việt và Hán văn. Anh Lân còn là bạn tâm giao của anh Hồng Tiêu, chồng tôi. Khi anh Hồng Tiêu cưới

tôi, anh Phan Bá Lân đã mừng ngày cưới chúng tôi cả một cái giường nệm có mùng theo kiểu Tây, một

cái gương to treo trên tường, và suốt những năm sống ở Sài Gòn chúng tôi vẫn gặp anh Lân rất thường.

Khi Nhật xâm chiếm Việt Nam và sau đó Mỹ thả bom ở Sài Gòn, năm 1943, tôi đưa các con về

Quảng Ngãi quê chồng, mất liên lạc với anh Phan Bá Lân. Sau Hiệp định Genève, tôi nghe tin anh

Phan Bá Lân ở ngoài Bắc và năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, tôi nghe tin anh Lân về Sài Gòn,

đôi mắt bị mù. Anh về trong Nam, nghe nói có nhờ người đi tìm nhà tôi và anh Bút Trà nhưng lúc ấy

Sài Gòn đang hồi bể dâu, nên chẳng ai dám chỉ, họ sợ mang vạ vào thân. Thành ra những người bạn

thân xa nhau những bao nhiêu năm vậy mà trước chuyện sống chết lại không có cơ hội để gặp nhau, để

cùng bắt tay nhau một lần chót. Thương tâm và cũng chua xót thật! Bây giờ khi tôi ngồi viết những

dòng này thì tất cả anh em Phan Bá Lân, Phan Kình, Phan Thuyết (cựu hiệu trưởng trường Đạt Đức ở

Phú Nhuận), Phan Út (cựu hiệu trưởng trường Tân Thịnh ở Tân Định) đều đã ra người thiên cổ.

Trở lại chuyện sau khi Đảng Phục Hưng bị bể bạc. Bà tôi khi nghe tin chuyện bọn Tây đến lục xét

nhà cha tôi và trong đường tơ kẽ tóc, cha tôi có thể bị bắt và bị đi đày thì đâm ra hoảng hốt, gọi cha tôi

về, thuyết đủ mọi cách, nào hăm dọa bị tù đày, bỏ vợ bỏ con không ai nuôi, nào cha mẹ già không chỗ

nương tựa. Lời nói không làm xiêu lòng cha tôi thì bà nội tôi lại lấy nước mắt để cha tôi phải nghe

theo. Ông tôi không hề nói gì vì ông xuất thân từ một tùy viên của ngài Lê Văn Duyệt, có văn, có võ,

không thể ngăn cản con mình vì nó cũng đi vào con đường mà mình đã trải qua. Nhưng ông tôi chỉ nói

là nếu không ai lo cho ông bà tôi trong lúc tuổi già bóng xế thì ông tôi sẽ trở về Nghệ An vì ngoài ấy

ông tôi có cả một đại gia đình có thể sống yên thân cho đến cuối cuộc đời. Nghe thế bà tôi càng khóc

lóc than thở: “Sắp mất con bây giờ lại còn sắp mất chồng”.

Thế là cha tôi trở lại với công việc ở hãng Sica. Nơi đây người chủ Tây rất mến nể cha tôi vì cha

tôi làm việc chuyên cần thanh liêm, công nhân trong hãng cũng rất yêu mến. Mấy lần cha tôi xin thôi

việc để thi vào một công sở không có liên quan gì nhiều đến việc chánh trị như là Bưu điện, Sở

Thương chánh, hay Phòng Thương mại, nhưng ông chủ hãng cứ cho lên lương mỗi lần cha tôi muốn

nghỉ, để giữ cha tôi lại. Cho đến khi cha tôi thi đậu vào Sở Thương chánh Đà Nẵng, làm ở làng Trẹm,

và sẵn có người chồng mới cưới của dì tôi, một nhân viên có tay nghề, biết đánh máy, chịu nhận công

việc của cha tôi thì ông sếp mới bằng lòng cho cha tôi nghỉ. Chuyện đổi việc làm này một phần do sức

ép của bà nội tôi, muốn con làm trong cơ quan nhà nước, có nhiều tiền hơn và có tương lai hơn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.