Bà tôi hay tin này mới yên lòng và mẹ con tôi lại từ quê nội ra sống bên cha tôi. Thời gian này tôi
sống bên cha mẹ được hấp thụ sự dạy dỗ chu đáo và tình yêu thương vô bờ bến. Tôi mãi đến bốn tuổi
mới có em nên thời gian này được sự nuông chiều của cả cha mẹ lẫn ông bà nội ngoại.
Trong những năm tháng này tôi thường theo cha mỗi tuần về thăm ông bà nội tôi. Cứ chiều thứ bảy
cha tôi và tôi xuống ghe - đò dọc - ở sông Hàn để sáng lại về đến Hội An, qua Bàng Thạch về thăm
ông bà nội tôi. Một đêm trên sông nước, nhìn phong cảnh hai bên bờ sông, được cha tôi kể chuyện
sông nước, cuộc sống của những người chài lưới trên sông, và gặp những đêm sáng trăng thì tha hồ mà
ngắm cảnh đẹp, nghe tiếng hát của các cô gái chèo thuyền hát đối đáp với các chàng trai trên các chiếc
ghe khác cùng đi về một hướng hay đi ngược dòng sông. Những kỷ niệm ấy ngày nay tôi không còn làm
sao tìm thấy được, những kỷ niệm ấy vẫn sống mãi trong lòng tôi sau bao nhiêu vật đổi sao dời. Sáng
chủ nhật ghe cặp bến trước nhà ông bà tôi, cha tôi và tôi mang hành lý lên sống bên ông bà tôi suốt một
ngày, để tối lại có ghe đến rước. Rồi cũng suốt đêm trên cuộc phiêu lưu giữa sông dài, trời rộng, cho
đến năm giờ sáng thì đến bến chợ Hàn kịp để cha tôi về nhà ăn sáng rồi đi làm.
Với những chuyến đi ấy, tôi học được rất nhiều điều lạ, bổ ích mà các trẻ em ở tuổi ấy chưa chắc
đã biết. Nào cuộc sống của người mò cua bắt cá trong đêm, họ vừa làm việc vừa hát hò đối đáp,
dường như không thấy cái cảnh lấy đêm làm ngày nhọc nhằn, khổ sở. Nào những con đò xuôi ngược,
họ quen nhau vì thường gặp nhau trên đoạn đường này. Mỗi lần gặp nhau họ kêu ơi ới, chào hỏi vui vẻ.
Có ghe câu được cá liền ném qua cho các ghe chưa có gì để nấu buổi cơm tối cho khách trên ghe.
Thường thì chúng tôi được mời ăn cháo vào lúc 10 giờ đêm, gọi là ăn khuya, món cháo nấu với cá vừa
câu được, hay cua tôm mua lại của những người đi mò dưới sông. Sống ở thành phố, có biển, có hàng
phi lao vi vu của bãi tắm Đà Nẵng, có sông có núi, nay về quê được sống với những người nông dân
chân lấm tay bùn, cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt quanh năm, tôi có thêm nhiều kiến thức. Tôi chứng kiến
những bữa cơm đạm bạc của họ. Một rổ rá cơm ghế khoai lang hay ghế bắp, thường thì khoai hay bắp
nhiều hơn gạo, với một tô mắm cá cơm đã mặn còn bỏ thêm một vốc muối, ít khi có rau, và chỉ có
những quả cà pháo bỏ trong mắm. Vậy mà người nào người nấy ăn rất ngon, có người ăn cả năm sáu
bát, khiến tôi cảm thấy chén cơm trắng của tôi mà bà nội tôi đã bỏ đầy cá thịt không còn ngon lành, trái
lại còn vô vị nữa là khác. Và tôi đã năn nỉ chú Đài của tôi, người bà con trong họ giúp việc cho ông
bà nội tôi, đổi chén cơm của tôi lấy một chén cơm trộn khoai hay bắp. Chú Đài không dám đổi mà
những người đến làm thuê cho ông bà tôi cũng không ai chịu đổi. Tôi năn nỉ mãi và cuối cùng rồi tôi
cũng đạt được ý muốn trẻ con ấy. Nhưng mà mấy người này khuyên tôi bưng cơm ra bụi tre bên bờ ao
mà ăn, đừng để ông bà tôi thấy. Ôi! Hồi đó tôi thấy chén cơm ghế khoai hay ghế bắp sao mà ngon đến
thế! Sau này khi tôi đưa các con tôi về Quảng Ngãi, rồi tản cư lên Mỹ Thịnh, vì đồng lương của tôi chỉ
đủ mua có hai mươi ngày gạo, đó là không nói đến thức ăn, tôi phải thêu may mướn mới có tiền mua