chỉ biết làm việc và làm việc... là tất cả những gì tôi cảm nhận lúc ấy. Tôi cũng chưa hiểu đó là tình
yêu quê hương. Sau này lớn lên tôi mới biết quê hương của mình thật đáng yêu và không đâu đẹp bằng
quê hương của chúng ta cả.
***
Từ thuở nhỏ, tôi đã sống với sách báo, thơ văn, vì cha tôi lúc ấy là một công chức Sở Thương
chánh bất đắc dĩ, nên ngoài những giờ làm việc ở sở ra, cha tôi đọc báo, đọc sách, và viết những bài
báo gởi ra Bắc cho báo Nam Phong của Phạm Quỳnh hay Hữu Thanh của Tản Đà. Cha tôi cũng làm
thơ. Nhưng viết văn làm thơ với cha tôi chỉ là một thú tiêu khiển, một cây bút nghiệp dư vậy thôi. Cha
tôi mua thật nhiều sách báo lúc bấy giờ, để đầy các tủ, và mẹ tôi lãnh phần chăm sóc đống sách báo ấy
không cho mối mọt gặm nhấm. Cứ mỗi tháng một lần, mẹ tôi chọn ngày nắng ráo đem ra phơi, và cái
phần trông chừng sách, trở sách, lại là phần của tôi. Những ngày phơi sách, tôi cứ cắm đầu đọc các tờ
báo, các quyển sách, và có khi say mê đến nỗi ngồi ngoài nắng mà không hay biết.
Cha tôi rất nghiêm nhưng không nóng nảy. Mẹ tôi rất nóng tánh, khi giận lên là gặp roi quất roi, gặp
cán quạt là khẻ, nhưng tôi không hề một lần nào bị đánh hay bị khẻ. Có lần tôi ra sân mải mê cất những
ngôi nhà bằng cát, quên cả giờ đi tắm, bị mẹ tôi đập mấy cái là cha tôi không bằng lòng, bảo “Đừng
đánh nó!”. Từ ấy tôi không bao giờ bị mẹ đánh.
Một dịp phơi sách là một dịp để đọc say mê, đọc mà đôi khi chưa hiểu những trang sách quá khó
đối với tuổi quá nhỏ của tôi, nhưng tôi vẫn đọc. Vì vậy tôi rất thích văn chương. Chiều chiều sau giờ ở
sở về, cha tôi dắt tôi cùng người cậu, em của mẹ tôi, lớn hơn tôi vài tuổi, đi dạo trước hàng dừa, vừa
đi cha tôi vừa kể cho tôi và cậu tôi nghe những bài ngụ ngôn của La Fontaine, những bài trong tập Nhị
thập tứ hiếu, hay đọc những lời giáo huấn của Nguyễn Trãi...
Tuổi thơ bình thản, ngày tháng trôi qua êm đềm như vậy, đã gây trong đầu óc tôi nhiều cảm nghĩ về
thơ văn, về sách vở. Thấy mỗi tối cha tôi viết bên ngọn đèn manchon, tôi rất muốn viết như cha tôi lúc
bấy giờ, và có lẽ mầm văn chương đã nảy nở trong đầu óc tôi từ lúc ấy.
Sáu, bảy tuổi, tôi đã quen với những bộ tiểu thuyết Tàu, mà mỗi lần mẹ tôi bận may, bảo tôi đọc mẹ
nghe những trang Mạnh Lệ Quân do Đỗ Mục dịch trong báo Trung Bắc Tân Văn ngoài Bắc. Khi bà
nội tôi mất, cha tôi về Quảng Nam đưa ông nội tôi vô Tam Quan. Thế là ông nội tôi đề nghị phải dạy
tôi học chữ Nho, không cho tôi được tự do ngao du sơn thủy theo kiểu của tôi, đi bắt bướm, gài bẫy
những con ong mun, hay chạy đua với lũ trẻ trên con đường trước nhà, rợp mát bởi những hàng dừa
xanh tươi. Con gái gì mà đi chơi ngoài nắng suốt ngày, đen như chà và. Tôi bắt đầu học Tam Tự Kinh
từ đó. Tập viết chữ với cây bút lông. Nét nào phải viết trước, nét nào phải viết sau tôi không cần để