tâm, tôi viết như vẽ, muốn vẽ sao có chữ thì thôi, thì bị ông tôi rầy la, ghép vào khuôn khổ. Tôi chỉ học
được vài năm, ngày dăm ba chữ. Trong khi đó tôi còn phải chỉ cho ông tôi đã gần 80 tuổi học chữ
Quốc ngữ, để ông đọc các bộ tiểu thuyết Tàu dịch ra chữ Việt. Và chiều nào cũng vậy, ông tôi dẫn tôi
và chú Huấn, cậu Sắc tôi ra bãi biển. Trong khi chú và cậu tôi tắm biển, đá banh, thì tôi lại đọc Mạnh
Lệ Quân (Tái Sanh Duyên) hay chuyện Chiêu Quân Cống Hồ cho ông nội tôi nghe. Ông tôi già nhưng
đầu óc rất trẻ trung, thích sống hợp trào lưu. Ông tôi vốn là người ở Nghệ An vào Quảng buôn bán,
gặp bà nội tôi rồi lập nghiệp luôn ở đấy. Tôi thấy ông tôi ngồi tập viết chữ Quốc ngữ mà không khỏi
khâm phục.
Hai năm sau tôi phải ra Đà Nẵng học và không còn học chữ Nho với ông tôi nữa.
Tôi sở dĩ nói dông dài như thế để các bạn thấy tôi đã nuôi mộng viết văn từ khi còn quá nhỏ, chưa
có một khái niệm nào về tình hình của đất nước cũng không hiểu tại sao cha tôi, một người Việt Nam
lại phải làm việc dưới quyền một người Pháp. Và trên đất nước mình lại có những người Pháp ăn trên
ngồi trước, coi dân Việt Nam như cỏ rác.
***
Khi còn nhỏ, tôi thường được bà con và những người quen nhận xét là tôi rất lì, không hề sợ những
lời nhát ma hay đe dọa. Đêm tối ở thôn quê, cha mẹ sai đem quà cho một nhà ở xa trong xóm, tôi vẫn
đi. Tôi còn nhớ có lần lúc ấy tôi mới lên sáu, bảy tuổi gì đó, cha mẹ sai tôi bưng một thố chè qua nhà
chú Phán làm cùng sở với cha tôi (ở Tam Quan), hai bên đường là những hàng dừa cao vút và phía
trước là dòng sông chảy lững lờ. Tôi vừa ra khỏi cổng, cách nhà độ 15 thước, bỗng một bóng người to
lớn từ đâu chạy xô đến cười hăng hắc và ồ ề nói: “Con nhỏ kia, đi đâu đó, bưng cái gì ngon vậy, đưa
cho ta ăn mau!”. Tự nhiên một linh tính báo cho tôi biết người này không phải ma, cũng chẳng phải kẻ
gian, kẻ cướp, mà là một người hàng xóm có tánh hay đùa giỡn, phá phách nổi tiếng ở đây, tên là
Thiện. Tôi đứng ngay lại và nói: “Chú Thiện đừng hòng dọa nạt tôi. Chú mà hù tôi, tôi liệng thố chè
này vào người chú liền bây giờ!”. Chú Thiện nghe vậy cười lớn: “Con nhỏ này gan thật, tao chịu thua
đó”. Khi đi về, tôi liền kể cho cha mẹ tôi nghe. Cha tôi nói “Giỏi đó!”, rồi kêu chú Huấn tôi lên và
nói: “Em thấy đó, con Vân có sợ ma như em đâu”.
Trước đó, hễ trời tối là chú Huấn tôi, lớn hơn tôi độ năm, sáu tuổi, không bao giờ dám ra ngõ hay
đi quanh nhà. Chú sợ ma ghê lắm. Có lần cha tôi sai chú ra cổng coi ai gọi ngoài đó, chú không dám
đi, phải nhờ tôi. Buổi tối chú thường rúc dưới nhà bếp với vú Lạc, không dám ngồi ở cái chòi phía
sau mà học, vì chòi này xây mặt ra biển, mà trên bãi biển có bãi tha ma. Để trị tật sợ ma của chú, cha
tôi hay trói chú ngoài cổng, chú khóc lóc van xin mấy cha tôi cũng không tha. Nhưng rồi cái tánh sợ
ma chú vẫn không chừa được. Tôi thì lại thích những đêm trăng ra ngoài đường ngồi dưới các gốc dừa