HỒI KÝ BÀ TÙNG LONG - Trang 35

- Ta có muốn như vậy đâu.

Cái tin cô Loan sẽ về Huế làm lễ cưới và cuối niên khóa sẽ đổi vô Phan Thiết, khiến cả trường

không khỏi bàn tán. Trước Tết tây, bà Casanova về nước, năm nữ sinh lớp nhất giờ đây còn bốn được

chuyển qua trường nam và bắt đầu đi học. Chúng tôi ngồi chung một bàn đầu gần bàn của thầy Thái

Viên. Những giờ Pháp văn, như giảng văn, luận văn, văn phạm, chúng tôi học với ông hiệu trưởng

Rivière. Chúng tôi được phép đi cửa trước, cửa dành cho các thầy giáo và nhân viên văn phòng của

trường, được vô lớp khi chưa có trống báo hiệu giờ học. Đó là ưu tiên cho các nữ sinh, để tránh chung

đụng với đám nam sinh.

Từ đó, chúng tôi ít có cơ hội gặp cô Loan. Chủ nhật chúng tôi phải tụ nhau khi ở nhà tôi, khi ở nhà

Sen để ôn bài, làm bài chung, để khỏi thua bọn con trai. Trong bốn chị em, chỉ có tôi là dạn dĩ nhất, tôi

ỷ thầy Thái Viên là bạn thân của cha tôi, nên hễ có một nam học sinh nào trêu ghẹo bọn tôi là tôi lên

méc với thầy ngay.

Được cái là tôi rất giỏi Pháp văn, đọc tiếng Pháp như đầm và rất tự nhiên, không coi bọn nam sinh

ra gì. Đến môn toán là môn tôi không giỏi lắm, vậy mà hễ thầy Thái Viên ra một đề toán và hỏi ai lên

bảng giải, tôi đưa tay xin lên làm ngay. Lần nào cũng được thầy Thái Viên khen giỏi, còn viết văn thì

khỏi nói. Bài luận văn nào tôi cũng đứng đầu, điểm cao, được khen. Mấy tuần đầu tụi con trai chưa

biết tôi học Pháp văn ra sao, nên mỗi lần ông Rivière vô lớp, tụi nó ngồi sau lưng tôi và nói xầm xì:

“Gọi Vân đi! Xem thử có giỏi không nào? Thầy Thái Viên nể nó, chứ nó đâu có giỏi”. Tình cờ một

hôm ông Rivière kêu tôi đọc bài lecture tiếng Pháp, cả lớp đều im phăng phắc chờ tôi đọc. Khi tôi đọc

thì cả bọn sửng sốt vì tôi đọc như đầm thật, sau đó ông Rivière gọi lên bảng viết, tôi viết rất rành

mạch tiểu sử của nhà văn bằng nét phấn trên bảng đen thật đẹp đến nỗi ông Rivière phải khen và nói:

- Madame Casanova sera très fière d’avoir une élève comme vous. (Bà Casanova sẽ rất hãnh

diện khi có một người học trò như em).

Sau lần đó, lần nào vô lớp ông cũng bắt tôi đọc những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, hoặc

những bài văn của các tác giả Alfonse Daudet hay Anatole France. Nhờ vậy mà bọn học trò con trai

không dám chọc ghẹo tôi. Môn gì tôi cũng thuộc, đến bản đồ châu Á tôi còn vẽ được trên bảng đen

khiến thầy Thái Viên phải khen là giỏi.

Cuối năm học, tôi được sắp đứng đầu lớp và đi thi tiểu học, bằng Certificat d’études primaires của

chương trình Pháp. Lúc bấy giờ giáo sư Nguyễn Khoa Toàn làm giám khảo, từ Huế đổi vào, khi vô vấn

đáp, ông hỏi tôi môn Pháp văn và bắt tôi dịch bài: Người ta đi cấy lấy công. Tôi nay đi cấy còn

trông nhiều bề. Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.