- Đủ rồi, giỏi lắm!
Lần thi đó tôi đậu thủ khoa và ban giám khảo đã mời cha tôi vào để khen và khuyên cha tôi nên cho
tôi học tiếp. Lẽ dĩ nhiên là tôi được ghi tên thi vào lớp đệ thất trường nữ trung học Đồng Khánh (Huế)
và tôi cũng đậu luôn năm ấy (niên khóa 1930-1931).
Nhưng rủi cho tôi là ra học đệ thất với thành tích tôi đã gặt hái được ở ban tiểu học như vậy, thế
mà tôi lại không phải là một học sinh giỏi. Vì tôi gặp một cô giáo người Pháp, cô Hélène Rérat, dân
Pháp lai Maroc hay Algérie gì đó, dạy môn Pháp văn và sử địa. Buổi đầu tôi không hiểu tại sao cô lại
rất nghiêm khắc với những nữ sinh ở Đà Nẵng ra, trong đó có tôi và chị Mỹ. Chúng tôi học thế nào, cố
gắng đến đâu, cũng đều bị cô la rầy và cho điểm thật gắt gao. Nhiều khi vô cớ cũng bị phạt, bị chép
bài cả mười trang giấy vì một tội không đâu. Chán nản vì sự bất công của cô, tôi không còn thiết học
hành gì nữa. Tôi đâm ra bỏ bê bài vở, chỉ học những môn của các giáo viên khác. Lúc rảnh rỗi trên
nội trú ngày chủ nhật không ra ngoài được, tôi học đan, học móc crochet hay học thêu với mấy chị bạn
các lớp trên. Vào giờ Etude (tức giờ học bài và làm bài có giám thị coi chừng vào buổi tối), tôi chỉ
chép thơ, thơ Pháp, thơ Việt Nam mà các chị ở lớp đệ tam đệ tứ thường chép thành những quyển kiểu
sưu tập. Vì vậy mà cuối năm tôi xếp hạng rất thấp lại còn bị thi lại các môn Pháp văn, toán, và lý hóa.
Sau này, khi tôi hỏi một chị bạn cùng ở Đà Nẵng đang học lớp đệ ngũ về chuyện tôi bị cô Hélène
Rérat đì đến nỗi không cất đầu lên được, thì chị này nói:
- Vân không biết là cô này thù bọn mình lắm sao? Học sinh nào ở Đà Nẵng ra là cô thù không đội
trời chung mà.
- Tại sao vậy?
- Lúc tôi mới ra, tôi cũng bị đì cất đầu không nổi. Mình thuộc bài cũng bị bắt bẻ rồi bị chất vấn
những câu ngoài đề, là bị ăn không điểm hay hai điểm. Lúc ấy tôi tức lắm, đi điều tra cho ra. Tôi được
biết là có lần cô ta vô chấm thi tiểu học ở Đà Nẵng, bị học sinh phản đối vì cô hỏi ngoài chương trình.
Học trò làm reo kêu cô ta là con mọi xứ Maroc, không chịu vô thi môn cô. Rốt cuộc ông giám khảo
chánh lúc bấy giờ là một giáo sư người Việt phải can thiệp, học trò mới chịu thi và năm đó số học sinh
rớt tiểu học đông lắm. Vì vậy cô thù học trò Đà Nẵng. Tôi cũng bị một năm khổ vì cô, liền đem chuyện
này nói với cha tôi. Cha tôi làm thanh tra Tòa Sứ, tức lắm, đến tìm cô và hỏi cô sao bất công với học
trò Đà Nẵng. Cô nói vì lý do riêng, không ai được quyền hạch hỏi cô, có giỏi thì đi kiện đi. Tuy vậy
sau đó cô không dám ăn hiếp tôi và cuối năm cô cho tôi lên lớp.
Các cô bạn đồng hương về vai chị của tôi khuyên tôi: “Em đừng thèm cãi lại làm chi, ráng qua năm
học này là xong”. Nhưng cứ bị đè ép kiểu này thì làm sao lên lớp và còn tinh thần nào để học? Mấy