môn khác làm sao kéo nổi môn Pháp văn mà cả trường chỉ có một lớp đệ thất. Nữ học sinh ở thời của
tôi rất ít người đi học ở bậc trung học. Họ vừa đậu tiểu học là xin thi vào sư phạm để học và để ra
dạy, có nghề càng sớm càng tốt.
Cũng may cuối năm học đệ thất ở Đồng Khánh Huế, vì ông nội tôi đã mất năm 84 tuổi, nên cha tôi
xin hoán đổi với một người bạn ở Sài Gòn. Thế là tôi đã học tiếp bậc trung học ở trường nữ Gia Long
(nay là trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai) và những năm học sau này tôi vẫn là một nữ sinh xuất
sắc về hai môn Pháp văn và Việt văn (Việt văn bị xem là một môn sinh ngữ!) và cả trường Gia Long
trong những năm 1931 đến 1934 không ai không biết tên Bạch Vân. Trường Gia Long không phải như
trường Đồng Khánh, mỗi một khóa có hai ba lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, có lớp riêng cho các nữ sinh
theo học sư phạm, vì vậy bài nào hay các giáo sư thường đem đọc cho các lớp khác nghe và người có
bài được đọc lẽ dĩ nhiên là được bạn bè biết đến. Thời kỳ tôi học ở Gia Long là thời kỳ vui nhất,
nhiều bạn bè thương mến nhất và cũng được các giáo sư dạy văn để ý đặc biệt. Về Việt văn thì có cô
Năm Phạm Văn Của, về Pháp văn thì từ lớp đệ lục tôi học với cô Suzanne Thiệp (cô này dạy thế một
bà giáo sư về Pháp nghỉ thường niên), cô Devilar, bà Cadillon, bà Ventournouz và còn một vài bà nữa
mà tôi không nhớ hết, các bà này đều là giáo sư thuộc hạng giỏi. Ở giai đoạn còn là một học sinh vậy
mà tôi đã nổi tiếng về văn chương, đây cũng là một phần ảnh hưởng cho cuộc đời cầm bút của tôi sau
này. Trong thời kỳ này, trường đã đưa tôi đi dự những chương trình văn chương Pháp như chương trình
“Con Tem Bài Lao” cho các trường trung học ở Sài Gòn. Ngay lần đầu thi về “Le timbre
antituberculeux”, vận động cho phong trào bài lao, tôi đã chiếm được một phần thưởng đem danh dự
về cho trường Gia Long.Đây là cuộc thi của cả các trường Pháp lúc bấy giờ là trường Chasseloup
Laubat và trường Marie Curie. Học sinh học ở các trường Pháp đều tự phụ là giỏi hơn học sinh các
trường Pháp Việt như Gia Long, Pétrus Ký, vậy nên khi tôi được giải thưởng lúc còn học ở lớp đệ ngũ,
bà hiệu trưởng và bà giáo sư của tôi rất lấy làm hãnh diện.
Tôi kể những chuyện này để các bạn thấy rằng những ngôi sao văn trong số tử vi của tôi vào các
cung có lợi cho sự nghiệp viết văn của tôi sau này. Và khi tôi thi ra trường để lấy cấp bằng Diplôme là
cấp bằng dành riêng cho các trường Pháp Việt, chương trình Pháp Việt trung học, tôi còn ghi để thi hai
bằng Brevet là Brevet Elémentaire và Brevet d’Enseignement Primaires Supérieur. Bà hiệu trưởng
trường Gia Long chỉ ký chứng nhận cho tôi thi bằng Diplôme thôi vì đây là bằng của các học sinh
trường Việt. Còn muốn thi các bằng kia, bà hỏi: “Tụi bây muốn tranh giành với tụi chương trình Pháp
sao? Muốn thì cứ làm đơn thi tự do”. Một trường chỉ có vài ba chị cùng thi như tôi. Năm nào cũng
vậy, và năm nào chúng tôi đã thi là chúng tôi đều đậu, không ai rớt, mặc dù thi Brevet có thêm nhiều
môn mà ở Gia Long chúng tôi không được học thường xuyên như môn âm nhạc cả lý thuyết và thực
hành, môn vẽ và may cắt áo quần trên giấy, cả môn thể thao. Chúng tôi phải đem đơn ra Tòa Đô chánh