luôn Nha Trang cho đến ngày sanh đẻ, không trở lại Đà Nẵng nữa.
Thế là tôi vừa mất bà Casanova, bây giờ lại mất luôn cô Loan. Và cũng từ ấy tôi không còn gặp cô
nữa. Tôi cũng không biết cuộc hôn nhân của cô có đem lại hạnh phúc cho cô không. Rồi tôi theo cha
mẹ vào Nam, học tiếp ở trường nữ Gia Long. Rồi lập gia đình, làm báo Tân Thời được một năm, có
con phải nghỉ, sau đó lại đi dạy học. Đến năm 1943, chồng tôi đi Huế để gặp ông Trần Trọng Kim và
rồi vì bất đồng ý kiến sao đó nên bỏ về Quảng Ngãi. Tụi Pháp theo sát chồng tôi, vì vậy muốn đánh
lạc hướng của tụi nó, chồng tôi nhắn về Sài Gòn bảo tôi đưa các con về Quảng Ngãi gấp. Lấy cớ là
Mỹ đang thả bom ở Sài Gòn, mẹ con tôi phải về lánh nạn ở Quảng Ngãi. Lúc ấy anh chị Bút Trà phản
đối việc này, vì anh chị nghĩ rằng mẹ con tôi làm sao sống được ở Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ tôi mới
có ba đứa con, hai đứa con gái đứa lên sáu, đứa lên bốn, và đứa con trai mới vừa đúng một tuổi. Anh
chị tôi định tạm cư về Long An, quê chị tôi, một thời gian, bao giờ thời cuộc lắng dịu thì trở lên Sài
Gòn làm việc lại. Còn cha tôi được lệnh đổi về Trà Vinh cũng muốn đem tôi và ba cháu theo, nhưng
chồng tôi khẩn khoản bảo phải đưa gấp mấy đứa nhỏ về vì có thể chồng tôi sẽ nhận một công việc ở
Huế. Lúc bấy giờ, con gái lớn của tôi là Thanh Hương đang được ông bà ngoại thương yêu lắm, một
hai đòi giữ con bé ở lại để cho theo học trường Pháp. Nhưng con bé nhất định đi về Quảng Ngãi với
chúng tôi. Vì vậy mà chúng tôi đã ở Quảng Ngãi từ năm 1943 đến năm 1951 và đã nếm đủ mùi gian
khổ của cuộc sống thời kháng chiến ở Liên khu 5. Tôi sẽ viết lại đoạn này ở một tập khác.
Năm 1946 hay 1947 gì đó, khi đang ra phố để hỏi mua vài món hàng, tôi gặp lại Dõng tại một tiệm
chụp hình. Như tôi đã kể, Dõng kết hôn với một viên chức mật thám theo lệnh của cha mẹ, sau khi thi
đậu tiểu học và theo chồng vô Quảng Ngãi.
Tôi với Dõng thân với bà chủ tiệm hình, nên mỗi khi đi phố thường ghé lại đây uống nước và nói
dăm câu rồi chia tay ra về. Dõng ở cùng đường với tôi, nên hai chị em thường đi bộ về nhà. Hôm ấy
tôi đang nói chuyện với Dõng và bà chủ tiệm chụp hình, thì từ ngoài cửa một bà khách hàng đến hỏi
lấy hình. Bà chủ tiệm chạy ra tiếp khách. Tôi nhìn bà khách thì thấy nét hơi quen, nên đứng lên đi ra
đến gần để nhìn bà thật kỹ. Bỗng bà đưa tay lên sửa cặp mắt kiếng, cử chỉ này làm tôi nhớ lại cô Loan,
mỗi lần giảng bài cô thường sửa cái kiếng như vậy, nên tôi reo lên: “Cô có phải là cô Loan của tụi em
hồi ở Đà Nẵng không?”. Cô vừa ngạc nhiên vừa mừng nhìn tôi hỏi lại:
- Vậy em là ai?
Lúc ấy Dõng chạy ra, ôm chầm lấy cô:
- Nó là Vân đó cô, còn em là Dõng đây mà!
Thế là thầy trò ôm nhau cười ra nước mắt. Cô Loan nói: