- Bao nhiêu năm rồi nhỉ... 1930, bây giờ là gần hai mươi năm rồi còn gì? Các em ở Quảng Ngãi
sao?
- Còn cô?
- Cô ở Nha Trang.
Tôi lanh trí mời cô về nhà để thầy trò nói chuyện.
Cô rất ít nói về chuyện gia đình của cô, và khi tôi hỏi em nhỏ khi cô mang thai mà tôi đan áo là trai
hay gái thì cô liền nói: “Nó là trai”. Rồi cô ngập ngừng không chịu nói thêm. Cô hỏi thăm về gia đình
tôi, các con tôi, và vì sao tôi lại về Quảng Ngãi. Tôi cũng chỉ nói sơ cho cô biết. Lần đó là lần tôi gặp
cô sau bao nhiêu năm xa cách, nhưng tôi thấy dường như cô không vui và cũng không muốn nói nhiều.
Rồi từ đó cho đến lần cô từ tòa soạn báo Sàigòn Mới vào nhà tìm tôi về một câu chuyện Gỡ Rối
Tơ Lòng. Lúc ấy tôi mới biết qua tâm sự của cô trong thư là đứa con trai duy nhất của cô đã chết. Và
cô đã nghe lời tôi, đứng ra gả con dâu cho một người đàn ông khác để khỏi mất mấy đứa cháu nội.
(Tôi sẽ kể lại chuyện này với đầy đủ chi tiết hơn, trong một chương sau). Sau này tôi được biết qua
một độc giả ở Nha Trang, là cô đã sống tiếp những năm vui vẻ bên các cháu.
Khi tôi viết những trang hồi ký này thì chắc cô Trần Phạm Thị Loan không còn nữa. Trên 20 năm
sau ngày 30-4-1975, tôi mất liên lạc với cô. Nhưng tôi luôn nhớ về cô cũng như về tất cả những thầy
cô khác, trong suốt những ngày đi học, cũng là những ngày tươi đẹp nhất cuộc đời tôi.