CHƯƠNG 3: Đầu tiên và cuối cùng
Trong thời gian
đang học bậc trung học đệ nhất cấp (chương trình Pháp) ở trường Gia Long, tôi đã
tập viết những bài báo, tùy bút hoặc dịch các bài viết về phụ nữ của các báo Pháp, như La Femme,
Marie Claire, Rester jeune de corps, D’Âme et d’esprit... Tôi gởi bài đến báo Sài Thành (sau đổi
tên là Sàigòn Mới), ba tôi có quen mấy người làm việc ở đây do cùng sinh hoạt trong Hội Trung Việt
ái hữu. Lại cũng có khi ở không, tôi tập viết truyện ngắn gởi đăng thử ở các báo và vẫn ký Bạch Vân,
không có bút hiệu. Bài tôi gởi báo Sài Thành thường được đăng và sau đó tôi nhận được những lời
khuyến khích của tòa soạn mời tôi tiếp tục viết. Nhưng tôi không có thời gian nhiều vì bận học thi.
Thế rồi trên mặt báo Sài Thành bỗng đăng một mẩu quảng cáo: “Dạy viết văn, làm thơ, dạy cả chữ
Hán, theo cách hàm thụ cho những ai yêu thích văn thơ hay thích nghề làm báo, do cô Nhứt Chi Mai
phụ trách. Bài vở gởi về địa chỉ báo Sài Thành”. Vài người bạn của tôi đã gửi thư xin học và rủ tôi
cùng tham gia. Tôi đã ghi tên học hàm thụ viết văn ở trường Universelle bên Pháp, thì bây giờ ghi tên
học lớp này cũng rất tiện lợi, một cơ hội tốt cho tôi chớ có sao đâu. Hỏi ý kiến cha tôi, cha tôi chỉ nói:
Con coi thử có đủ thì giờ học không? Hãy viết thư hỏi thể thức học ra sao và tiền thù lao như thế
nào rồi mới ghi tên. Con phải cẩn thận, không biết Nhứt Chi Mai là ai? Một người đàn bà ư? Hiện giờ
có bao nhiêu phụ nữ viết báo mà giỏi cả Hán văn, Việt văn và cả Pháp văn? Cộng sự viên của báo Sài
Thành thì cha quen nhiều, phần đông là người Trung ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, như Thiên Trà, Hoa
Đường, còn hai anh em ông chủ nhiệm Bút Trà và ông chủ bút Hồng Tiêu đều là người Quảng Ngãi,
cha thường gặp ở những ngày Hội Trung Việt ái hữu nhóm họp.
Cha tôi chỉ nói vậy chớ không cấm nên tôi liền viết thư xin điều lệ và được gởi ngay một bản
hướng dẫn cách thức học, gởi bài một tuần một lần và chỉ trả học phí khi nào cô thấy học viên có đủ
trình độ theo học. Bản điều lệ được đánh máy và ghi rất rõ.
Tôi xin học viết báo, viết những bài xã luận về phụ nữ, viết truyện ngắn và không học làm thơ. Và
tôi gởi ngay một truyện ngắn. Chỉ ba ngày sau tôi nhận được bài đã chấm và phê bình rất kỹ, chứng tỏ
cô Nhứt Chi Mai là người có tài và rất am hiểu văn chương. Cô khen tôi viết khá, chỉ cần học sáu
tháng, nhưng nên học làm thơ vì một nhà báo cần phải biết đủ các thể loại văn thơ sẽ làm cho con
người có tâm hồn cao thượng hơn. Tôi viết trả lời là chuyện học làm thơ hãy để sau, bây giờ chỉ học
viết văn cho thông đã, vì tôi học chương trình Pháp từ nhỏ nên ít có giờ Việt văn (Theo chương trình
này thì Việt văn chỉ là một môn ngoại ngữ).
Nhưng sau khi bài đã được chấm và trả về, tôi để ý một điều là cô Nhứt Chi Mai nhất định không