phải là phái nữ. Vì nét chữ của cô rất bay bướm, có khi rất cứng nét nhưng có khi lại mềm và rất khó
đọc. Việc này tôi chưa nói cho cha tôi biết. Nhưng truyện ngắn ấy của tôi đã được chọn đăng ngay trên
tờ Sài Thành.
Trong khi đó, tôi có một người bạn ở Cần Thơ, tên Lê Thục Nữ, con một điền chủ ruộng đất cò bay
thẳng cánh, trong lớp cũng rất thích văn chương và có lần đã cho tôi biết là chị có viết thư qua lại với
Nguyễn Tiến Lãng, hồi đó chưa làm bí thư cho bà Nam Phương Hoàng hậu. Nguyễn Tiến Lãng vừa thi
xong bằng tú tài Pháp ở trường Albert Sarraut Hà Nội và là con đỡ đầu của một nhân vật Pháp trong
chánh quyền thực dân. Lê Thục Nữ không đẹp, người hơi thấp, trán trợt và lưng tôm, nhưng da trắng,
mắt đẹp, răng rất đều đặn. Người không đẹp, nhưng Thục Nữ cứ nghĩ mình là một giai nhân tuyệt thế,
nên đi đứng làm điệu rất khó coi, bạn bè ít ai thích. Đã vậy Thục Nữ còn tự phụ mình giàu, sau này sẽ
hưởng ba phần gia tài, một của cha, một của ông bà ngoại và một của mẹ (đã sống riêng). Năm đệ tứ,
Thục Nữ thi rớt Diplôme và bỏ học luôn, định ra Hà Nội tìm cách làm văn với Nguyễn Tiến Lãng.
Thục Nữ rất mến tôi và có tâm sự gì đều kể tôi nghe, làm việc gì cũng bàn với tôi. Sau này vì thân với
tôi, Thục Nữ cũng quen với các bạn của tôi như Như Hằng, Nguyễn Thị Yến, và Nguyệt gù lưng. Vì bỏ
học không có ý thi lại Diplôme nên Thục Nữ về Cần Thơ. Lúc ấy, tôi bỗng nhận được thư của Thục
Nữ. Thục Nữ kể tôi nghe là có thấy cái quảng cáo dạy viết văn làm báo của cô Nhứt Chi Mai ở tờ Sài
Thành, đã viết thư xin học, gởi bài và nhận được bài sửa. Tôi còn nhớ rõ nguyên văn Thục Nữ viết:
“Bạch Vân ơi! Vân có học hàm thụ với cô Nhứt Chi Mai nào đó quảng cáo trên Sài Thành không?
Mình nghe là Vân có ghi học rồi! Thế ý kiến của Vân ra sao? Mình không nói về tài và học thức của
cô ta vì chắc chắn đây là người có học nhiều, cả cổ lẫn kim, tuổi cũng trên 30 rồi, không trẻ đâu. Mà
mình nói thật cho Vân nghe, cô Nhứt Chi Mai này không phải là cô đâu mà là thầy đó. Vân nghĩ sao
nếu ông ta không phải là cô? Mình không học đâu! Sợ lắm! Văn chương là một thứ bùa chú mà do đầu
óc người ham mê văn chương vẽ ra, không ai xóa bỏ được bằng thứ bùa chú nào khác. Qua cách sửa
bài và giảng trên giấy, ông này dạy giỏi lắm đấy, nội nét chữ cứng rắn mà mềm mại như vẽ của một
người chắc đã từng học chữ Hán, sau đổi qua học chữ Việt. Vân ơi! Thục Nữ không học nữa đâu! Vân
muốn học thì cứ học, bởi vì Vân chưa có ai là tri kỷ, còn mình, mình đã chọn anh Lãng rồi. Khi nào
thất bại sẽ hay, bây giờ thì đang còn hy vọng! Cẩn thận nhé, người bạn yêu dấu của ta ơi!”.
Chính tôi, tôi cũng có ý nghĩ như Thục Nữ, nhưng tôi vẫn tiếp tục học và cứ nghĩ mình học qua hàm
thụ có ai gặp ai đâu mà ngại, có gì thì ngừng không học nữa là xong. Nhứt Chi Mai dạy rất nghiêm túc,
bài phê phán kỹ lưỡng, dạy từng cách dùng chữ Hán vào bài viết và ý nghĩa những câu thơ chữ Hán,
rồi đề nghị tôi nên học chữ Hán, học làm thơ. Nhứt Chi Mai còn nhận xét cách viết văn của tôi khá
hay, chỉ thiếu phần kinh nghiệm sống và phần đọc sách, đọc báo hàng ngày để tiếp xúc với trào lưu
văn học trong nước và trên thế giới...