tháng Tư, thông điệp thúc giục ông Eden. Trong tất cả những tài liệu này
tôi đề nghị hành động nhanh chóng của một lữ đoàn Pháp tự do sẽ được đổ
bộ tại Majunga và tiến vào Tananarive với sự yểm trợ, khi cần, của không
quân Anh, trong khi đồng minh của chúng tôi đánh lạc mục tiêu bằng cách
phong tỏa Diego bằng đường biển. Mặt khác tôi đòi chính quyền trên đảo
phải thuộc về Ủy ban quốc gia.
Giữa lúc đó, bởi Liên bang Nam Phi có vẻ liên hệ trực tiếp tới vụ việc
này, tôi cho điều tra về những dự án khả hữu của Pretoria, ngay cuối năm
1941, tôi đã gửi Đại tá Pechkoff tới đây trong tư cách đại biểu của Nước
Pháp Tự Do. Nhân cách của Pechkoff đã chinh phục được cảm tình của
tướng Smuts và tôi tin rằng nếu Liên bang vào cuộc thì ông thủ tướng của
họ hẳn sẽ không giấu điều này với người đại diện khôn khéo và trung thành
của chúng tôi. Cuối cùng, vào tháng ba ông tổng y sĩ Sicé, cao ủy tại
Brazzaville, viếng Nam Phi. Từ những câu chuyện trao đổi với Smuts và
các ông bộ trưởng, ông rút ra cảm tưởng rằng Liên bang tự họ sẽ không tác
động lên Madagascar. Vậy là không có gì phải đắn đo, London là nơi tôi
phải tỏ rõ những nỗ lực của mình.
Quả việc nước Nhật tham chiến đã đe dọa Madagascar. Cần phải dự
kiến rằng Vichy sớm muộn gì cũng bị quân Đức buộc ít ra phải để tàu chiến
và tàu ngầm của Nhật sử dụng các căn cứ của Madagascar và làm tê liệt
đường hàng hải của đồng minh ngoài khơi Nam Phi.
Chúng tôi được thông tin khá tường tận về tâm trạng trên đảo từ
những người tình nguyện thỉnh thoảng đào thoát được và từ các đoàn thủy
thủ của những chiếc tàu ghé lại đây. Cuộc đình chiến năm 1940 trước tiên
không được đón nhận niềm nở tại đây. Bấy giờ ông toàn quyền de Copper
chắc hẳn có thể gia nhập Nước Pháp Tự Do không mấy khó khăn nếu ông
tiếp tục hành động phù hợp với chính những lời tuyên bố của ông. Nhưng
ông đã không quyết định như thế. Vichy đã gần như thay ông ngay bằng
Cayla, ông này, với sự phụ tá của tướng không quân Jeaunaud, đã cố gắng
ru ngủ tinh thần kháng chiến trước khi chính ông phải nhường chỗ cho ông
toàn quyền Annet. Pétain hẳn đã được tuân thủ nếu ông đòi hỏi để người
Nhật tùy nghi tại Madagascar và nếu ông ra lệnh chống lại một cuộc đổ bộ