tới Madrid, thì không có gì ngạc nhiên khi nước Cộng hòa Pháp sẵn sàng
cải cách cơ cấu xã hội và cải tổ quân đội của mình. Tháng Mười, ngài Thủ
tướng Léon Blum mời tôi tới gặp ông. Cuộc gặp giữa chúng tôi tình cờ lại
diễn ra vào đúng buổi chiều ngày Quốc vương Bỉ tuyên bố chấm dứt liên
minh với Pháp và Anh. Vị Quốc vương này cho rằng nếu đất nước ông bị
Đức tấn công thì liên minh này sẽ không thể bảo vệ được họ. Ông ta nói:
“Quả thật, trước những khả năng của các lực lượng cơ giới hiện đại, dầu
sao đi nữa chúng tôi vẫn sẽ đơn độc.”
Léon Blum hồ hởi cho biết ông rất quan tâm tới những ý tưởng của
tôi. Tôi nói:
Vậy mà ông vẫn phản đối tôi đấy thôi!
Ông trả lời:
Khi trở thành người đứng đầu chính phủ, người ta sẽ có cách nhìn
khác.
Trước tiên, chúng tôi bàn về những gì có thể xảy ra nếu như Hitler tiến
vào Vienne, Prague hoặc Varsovie. Tôi nói:
Chuyện đơn giản thôi mà. Cứ tình hình này mà xét thì chúng ta sẽ
triệu tập quân lính tại ngũ hoặc động viên quân dự bị. Sau đó thì qua lỗ
châu mai của các công sự, chúng ta sẽ giương mắt ngồi nhìn cả châu Âu
biến thành nô lệ như thế nào.
Léon Blum kêu lên:
Ông nói gì vậy? Chẳng lẽ ông muốn chúng ta cử quân viễn chinh tới
Áo, tới Bohême, tới Ba Lan à?
Tôi nói:
Không phải thế. Nhưng nếu Lực lượng Phòng vệ Đức tiến quân dọc
sông Danube hay sông Elbe, vậy thì tại sao chúng ta lại không tới sông
Rhin được chứ? Trong lúc chúng men theo sông Vistule, tại sao chúng ta
không vào vùng Ruhr được? Vả chăng, chỉ riêng cái thông tin là chúng ta
có khả năng thực hiện những hành động đáp trả như vậy thôi cũng đã đủ để
chặn đứng những hành vi hiếu chiến rồi. Nhưng hệ thống hiện tại không
cho phép chúng ta được nhúc nhích, trong khi chúng ta có thể làm được
điều đó với quân đoàn thiết giáp. Chẳng phải là nếu đường đi nước bước