giữa chúng tôi, bởi vì những lý do đã rõ, chúng vẫn khắc sâu trong tâm trí
tôi.
Vị Tổng Tư lệnh nói:
Ông thấy đấy, tôi đã không lầm khi thông báo với ông mấy ngày trước
rằng quân Đức sẽ tấn công trên sông Somme vào ngày 6 tháng Sáu. Chúng
đang tấn công kia kìa. Ngay lúc này chúng đang vượt sông. Tôi không thể
nào ngăn cản chúng được.
Được rồi! Chúng đang vượt sông Somme. Sau đó thì sao?
Sau đó à? Sẽ đến lượt sông Seine và sông Marne.
Đồng ý. Và sau đó?
Sau đó nữa ư? Thế là hết rồi còn gì!
Ông nói thế là sao? Hết ư? Còn thế giới thì sao? Đế quốc Pháp thì sao
đây?
Tướng Weygand bật cười tuyệt vọng:
Đế quốc Pháp ư? Thực ấu trĩ! Còn thế giới, nếu tôi bị đánh bại ở đây,
nước Anh sẽ không chịu đợi tới một tuần đâu mà họ sẽ nhanh nhảu thương
thảo với đế quốc Đức ngay đấy.
Vị Tổng Tư lệnh nhìn thẳng vào mắt tôi và nói thêm:
A! Giá mà tôi tin được rằng quân Đức sẽ để lại cho tôi những lực
lượng cần thiết để duy trì trật tự!
Có tranh luận nữa cũng chỉ vô ích mà thôi. Trước khi bỏ đi, tôi nói với
Tướng Weygand rằng cách nhìn của ông trái ngược với những dự định của
chính phủ, rằng chính phủ sẽ không từ bỏ cuộc chiến đấu cho dù những
trận đánh có diễn biến tệ hại tới đâu. Ông không đưa ra ý kiến gì mới mẻ và
tỏ ra khá nhã nhặn khi tôi cáo biệt.
Trước khi lên đường trở lại Paris, tôi nói chuyện với các sĩ quan mà tôi
quen ở các bộ tham mưu khác nhau; sáng hôm đó họ cũng tới tham gia một
cuộc họp với Tướng Weygand. Những cuộc trao đổi này càng khiến tôi tin
chắc rằng ở các cấp bậc cao trong Bộ Chỉ huy, cuộc chiến đã bị coi là thất
bại; và rằng mọi người, tuy vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình như những
chiếc máy biết đi, đang thầm thì xui nhau – và chẳng bao lâu sau họ sẽ
chẳng ngần ngại gì mà nói cho thật to – hãy đặt dấu chấm hết, bằng cách