Sáng sớm ngày 9 tháng Sáu, một chiếc máy bay đưa tôi tới London.
Cùng đi với tôi có sĩ quan tùy tùng của tôi, Geoffroy de Courcel, và ông
Roland de Margerie, Chánh văn phòng Ngoại giao của Thủ tướng. Đó là
ngày Chủ nhật. Thủ đô nước Anh mang dáng vẻ thanh bình gần như dửng
dưng. Đường phố và công viên đầy những người đi dạo dáng nhàn nhã,
những hàng người dài nơi cửa vào các rạp xi-nê, những chiếc xe hơi đông
nườm nượp, những người gác cổng bóng bẩy đứng trước cửa các câu lạc bộ
và khách sạn – tất cả thuộc một thế giới khác với thế giới đang có chiến
tranh. Cố nhiên báo chí ở đây phần nào cho thấy tình hình thực tế mặc dầu
vẫn tràn ngập những tin tức xoa dịu và những câu chuyện ấu trĩ mà, giống
như ở Paris, thứ chủ nghĩa lạc quan bán chính thống đưa vào. Cố nhiên,
những áp phích người ta đọc, những hầm trú ẩn người ta đào, những chiếc
mặt nạ người ta đeo, tất cả khơi gợi những thảm họa tiềm tàng. Nhưng điều
đập vào mắt là đông đảo quần chúng không lường được những biến cố
nghiêm trọng từ Pháp bởi chúng diễn ra trong nhịp độ quá nhanh. Dầu sao
người ta vẫn thấy trong tình cảm của người Anh, biển Manche hãy còn quá
rộng lớn.
Ông Churchill tiếp tôi tại đường Downing. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp
xúc với ông. Ấn tượng tôi nhận được từ cuộc gặp gỡ này càng củng cố
niềm tin của tôi rằng nước Anh dưới sự lãnh đạo của một con người đầy
tinh thần tranh đấu như thế chắc chắn sẽ không chịu khuất phục. Tôi thấy
ông ngang tầm với nhiệm vụ gay go nhất và không kém phần vĩ đại. Sự
vững vàng trong phán đoán, văn hóa cao rộng, sự hiểu biết về hầu hết mọi
đề tài, đất nước, con người có liên quan, và mối đam mê về những vấn đề
đặc thù của chiến tranh, tất cả đều thể hiện nơi ông một cách tự nhiên. Trên
tất cả, do tính cách của mình, ông là người sinh ra để hành động, để mạo
hiểm, để đóng vai trò của mình, một cách dứt khoát, không đắn đo. Tóm lại
tôi thấy ông ngồi đúng vào vị trí hướng dẫn và lãnh đạo của mình. Đó là
những ấn tượng đầu tiên của tôi.
Đoạn sau của cuộc đối thoại chỉ xác nhận những điều đó và ngoài ra
còn cho tôi thấy tài hùng biện riêng của ông Churchill và cách ông sử dụng
nó khôn khéo thế nào. Dù cử tọa của ông là ai – đám đông, quốc hội, hội