tệ hại này. Trước khi rời phòng họp, ông Churchill còn khẩn khoản yêu cầu
thêm rằng trước khi đình chiến, Pháp hãy giao lại cho Anh 400 phi công
Đức đang bị bắt làm tù binh. Ông nhận được lời hứa tức thì.
Sau đó ông Paul Reynaud dẫn phái đoàn Anh qua phòng bên cạnh để
gặp các chủ tịch hai viện quốc hội cùng một số vị bộ trưởng. Ở đây thì bầu
không khí lại rất khác. Đặc biệt, các ông Jeannery, Herriot và Louis Marin
chỉ nói tới việc tiếp tục cuộc chiến. Tôi tới bên cạnh ông Paul Reynaud và
hỏi có phần gay gắt:
Có chấp nhận được chuyện ông toan tính để nước Pháp xin đình chiến
không?
Ông trả lời:
Dĩ nhiên là không rồi. Nhưng ta phải khiến người Anh sửng sốt thì
mới mong nhận được thêm sự trợ giúp từ họ.
Rõ ràng, tôi không thể coi đây là câu trả lời chân thực được. Sau khi
chia tay nhau giữa những tiếng ồn ào trong sân tòa tỉnh, tôi trở về Beauvais
trong sự thất vọng hoàn toàn trong khi ông Thủ tướng gửi điện tín khẩn
khoản xin Tổng thống Roosevelt ra tay can thiệp; hành động này đã cho
thấy nếu không có sự can thiệp đó, chúng tôi sẽ mất tất cả. Tối hôm đó, ông
Paul Reynaud nói trên đài phát thanh:
Nếu phải có một phép lạ để cứu nước Pháp thì tôi tin là có phép lạ.
Đối với tôi, đó dường như là một kết luận sớm rằng tất cả sẽ nhanh
chóng kết thúc. Cũng giống như một pháo đài đang bị vây hãm chuẩn bị
đầu hàng ngay khi người thủ lĩnh tính chuyện đầu hàng, nước Pháp cũng
đang lao đầu vào cuộc đình chiến bởi người đứng đầu chính phủ đã chính
thức toan tính chuyện này. Sự hiện diện của tôi trong nội các, dầu vị trí của
tôi chỉ là thứ yếu, sẽ trở thành một điều bất khả. Tuy nhiên, trong đêm đó,
ngay vào lúc tôi sắp sửa gửi thư từ chức, ông Georges Mandel, do được ông
Jean Laurent, Chánh Văn phòng của tôi báo cho biết từ trước, đã cho mời
tôi đến gặp.
André Diéthelm đưa tôi vào gặp ông Bộ trưởng Nội vụ. Mandel nói
với tôi bằng một giọng nghiêm trọng và kiên quyết khiến tôi rất ấn tượng.
Cũng như tôi, ông tin rằng chỉ có thể bảo vệ nền độc lập và danh dự của