Tuy nhiên, động tác đầu tiên của Noguès là đã kéo cao ngọn cờ.
Chúng tôi biết rằng khi đã xem xét các điều kiện của Đức, ngày 25 tháng
Sáu, ông đã đánh điện về Bordeaux, cho biết ông sẵn sàng tiếp tục cuộc
chiến. Sử dụng một cách biểu hiện mà chính tôi đã sử dụng trên radio sáu
hôm trước, ông gợi ra “sự hốt hoảng của Bordeaux” đã không cho phép
chính phủ “đánh giá một cách khách quan những khả năng kháng chiến của
Bắc Phi.” Ông mời Weygand “xem lại lệnh ông đưa ra liên quan tới việc
thực hiện cuộc đình chiến” và cam đoan rằng nếu những lệnh này được duy
trì thì “ông chỉ có thể thực hiện chúng bằng lửa đạn ngoài mặt trận.” Rõ
ràng nếu Noguès chọn con đường kháng chiến thì trọn Đế quốc hẳn đã theo
ông. Nhưng mọi người nhanh chóng biết rằng bản thân ông, cũng như các
ông tổng công sứ toàn quyền, các ông tư lệnh cấp cao, đều tuân theo lệnh
dừng lại của Pétain và Weygand và chấp nhận cuộc đình chiến. Chỉ có
tướng Catroux, Toàn quyền Đông Dương, và Tướng Legentilhomme, Tư
lệnh các lực lượng của bờ biển Somalis, vẫn tiếp tục lên án chuyện đình
chiến. Cả hai đều bị thay thế và những người dưới quyền không làm được
điều gì đáng kể để ủng hộ họ.
Vả chăng sự suy sụp của hầu hết các “thái thú” trùng hợp với một sự
sụp đổ hoàn toàn về chính trị tại chính quốc. Những tờ báo ngày đến với
chúng tôi từ Bordeaux, rồi từ Vichy, đăng đầy tin tức về sự chấp nhận của
họ, cũng như sự chấp nhận của tất cả những đảng phái, những tập đoàn,
những thẩm quyền, những cơ quan. Quốc hội nhóm họp ngày 9 và 10 tháng
Bảy và trao cho Pétain tất cả những quyền hạn, gần như không qua thảo
luận. Sự thật là 80 thành viên có mặt đã can đảm bỏ phiếu chống lại sự đầu
hàng này. Mặt khác những người trong đám các nghị sĩ lên tàu Massilia để
tới Bắc Phi đã cho thấy, từ đó, rằng với họ Đế quốc không nên ngừng chiến
đấu. Nhưng chuyện có thật là không một nhà chính trị nào lên tiếng kết án
cuộc đình chiến.
Vả chăng nếu sự sụp đổ của nước Pháp đã ném thế giới vào nỗi kinh
hoàng, nếu những đám đông, qua khắp thế giới, lo lắng nhìn vùng ánh sáng
vĩ đại này chìm đắm, nếu bài thơ nào của Charles Morgan hoặc bài viết nào
của François Mauriac làm rơi nước mắt nhiều người, thì các nhà nước, họ