Phù Cát là sân bay của quân Mỹ. Sau khi bắn xong, ngay trong
đêm đó họ đã rút, việc xuất quân lùng sục chẳng qua là muốn
xun xoe với quân Mỹ thôi. Cuối cùng thì trò hề đó kết thúc với
một thiệt hại to lớn. Khi đi lại trên con đường này tôi không bao
giờ giao tay lái cho lính lái xe vì sợ chẳng may lại đúng phải
mìn. Vì thế tôi luôn tự cầm tay lái. Tôi có một cách lái xe đặc
biệt mỗi khi đi qua con đường này: không bao giờ đi vào giữa
điểm, mà lần thì đi sát vào bên trái, lần thì đi sát vào bên phải
đường. Vào mùa khô khi ruộng không có nước tôi đi cả xuống
ruộng. Tức là không theo một quy tắc nào cả. Lối lái xe đó là sự
đảm bảo cho tính mạng của tôi. Nhờ đó mà chiếc Jeep của tôi an
toàn. Thậm chí có lúc có chiếc CMG đi theo ngay phía sau lại
trúng mìn làm 3 lính chết trong khi xe tôi đi qua an toàn. Đây
chẳng khác nào một trò chơi chết người. Tất nhiên mỗi khi đi
qua con đường đó tôi cũng chẳng được yên tâm, luôn phải nhấp
nhổm căng thẳng với mặt đất dưới bánh xe. Tôi cũng nhiều lần
lái xe như tên bắn trên con đường đó với suy nghĩ nếu chẳng
may có đụng phải mìn thì sau khi xe chạy qua mìn mới kịp nổ.
Mỗi lần như vậy là tôi lại được nếm thử mùi vị căng thẳng tột
độ.
Sau khi tôi về nước, trên con đường đó đã xảy ra một sự kiện
bi thảm làm chết 9 người và bị thương nặng 3 người của đại đội.
Quân giải phóng đã không chôn mìn TNT trên đường nữa mà đã
chôn đạn pháo 155mm bên rìa đường, khi xe đi qua thì dùng
máy kích nổ của mìn Clâymo cho nổ. Rõ ràng mục tiêu là nhằm
vào chiếc Jeep đi lại không có quy tắc gì của tôi. Đây là một ví dụ
cho thấy quyết tâm của những người lính phía bên kia mãnh
liệt đến mức nào. Dù sao tôi cũng đi qua con đường đó một cách
bình yên vô sự.
Phần 11 và 12 của cuốn hồi ký này có chung một nội dung:
nói về tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Hai phần này
khá ngắn lại có chung một chủ đề nên tôi ghép làm một. Tiêu đề
phần này do tôi tự đặt.