ông cảm thấy thoải mái khi giao thiệp. Razak không xem Keng
Swee là đối thủ cạnh tranh giành phiếu bầu. Khi Singapore tách
khỏi Malaysia, Razak tỏ ra dễ chịu hơn với tôi, vì tôi không còn
là đối thủ cạnh tranh giành phiếu bầu nữa.
Ông ta và giới lãnh đạo UMNO người Malay khác bác bỏ quan
điểm tiếp cận với những thương nhân người Hoa của Tunku, coi
quan điểm đó là lỗi thời. Đã có trong tay toàn bộ quyền lực cả về
chính trị lẫn quân sự nên giờ đây họ hoàn toàn công khai về các
chính sách kinh tế của mình là ưu ái những người bumiputra
(những đứa con của miền đất này, tức là người Malay bản xứ)
trong mọi thành phần kinh tế. Họ thực thi chính sách kinh tế
mới nhằm “xóa bỏ đói nghèo” để có “sự công bằng hơn về quyền
sở hữu tài sản.” Cho tới năm 1990, theo các quy định và quản lý,
người Malay sẽ sở hữu 30% tổng số vốn tư nhân, các cư dân
người Hoa và người Ấn Độ được sở hữu 40%, còn các chủ sở hữu
nước ngoài (hầu hết là người Anh) thì phải giảm xuống còn
30%. Razak còn công bố một ý thức hệ dân tộc gọi là
Rukunegara, kêu gọi dân chúng thuộc mọi chủng tộc hãy cùng
nhau tiến lên một xã hội công bằng và tiến bộ thông qua niềm
tin vào thượng đế, lòng trung thành đối với quốc vương và quốc
gia, đề cao hiến pháp và luật lệ, khuếch trương kỷ cương đạo
đức, có lòng bao dung và tôn trọng lẫn nhau. Thời điểm đó là
vào tháng 8/1970, qua hơn một năm sau các cuộc bạo loạn
chủng tộc, trước khi họ bãi bỏ toàn bộ những quy định còn lại
của lệnh giới nghiêm và cho phép tiếp tục các hoạt động chính
trị. Thế nhưng sự dấy loạn đã bị đặt cho một ý nghĩa rộng đến
nỗi nó bao gồm bất kỳ sự thách thức nào đối với Rukunegara và
sự thống trị của người Malay.
Razak dốc toàn tâm toàn ý vào việc làm cho đất nước trở lại
bình thường sau những chấn thương do bạo loạn gây ra và chấn