để người Nhật giúp đỡ chúng tôi trong việc đầu tư một nhà máy
hóa dầu, chúng tôi phải làm cho họ nhớ lại rằng tàu của họ đang
đi ngang qua eo biển Malacca sẽ gặp vấn đề trong việc thu thuế
quá cảnh nếu Singapore gia nhập với các nước ven biển khác
như Indonesia và Malaysia. Nỗi lo lắng của Nhật đối với eo biển
Malacca chỉ dịu bớt sau hội nghị của Liên Hợp Quốc về luật biển
(UNCLOS) năm 1982, ban hành quyền quá cảnh miễn phí qua
các eo biển quốc tế.
Suốt trong những năm tôi còn làm Thủ tướng, tôi đã khuyến
khích sự đầu tư của người Nhật vào Singapore. Khi Thủ tướng
Sato đến thăm Singapore vào tháng 9/1967, tôi đã công khai nói
với ông ta rằng người Singapore không có sự hạn chế nào đối với
vốn liếng, kỹ thuật cùng các nhà quản lý hoặc chuyên môn của
Nhật, rằng người Nhật được giao nhiệm vụ dẫn dắt các nước
châu Á còn lại tiến hành công nghiệp hóa. Tôi đã nói chuyện với
các nhà tư bản công nghiệp Nhật ở trong Keidanren, một hiệp
hội của các nhà tư bản công nghiệp lớn của họ rằng chúng tôi
nghênh đón bất kỳ ngành kỹ nghệ nào mà Singapore có lợi thế
về tiền lương hoặc chi phí vận chuyển. Một năm sau, ủy ban
phát triển kinh tế (EDB) của chúng tôi đã thiết lập một văn
phòng tại Tokyo, nhưng vào đầu những năm 1970, người Nhật
không sẵn sàng chuyển các nhà máy của họ ra nước ngoài. Họ
đang bít kín sản xuất công nghiệp của họ chỉ trong nước Nhật.
Chỉ vào những năm 1980, khi người Mỹ gây áp lực về thặng dư
mậu dịch đang gia tăng của họ, thì họ mới bắt đầu sản xuất tại
Mỹ. Và khi châu Âu ngăn chặn các sản phẩm của họ thì người
Nhật mới bắt đầu sản xuất ở đó, đặc biệt là tại Anh để xuất khẩu
sang cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC).
Tiêu biểu cho phong cách cẩn thận và kỹ lưỡng của các công
ty Nhật đã đầu tư ở nước ngoài là phương hướng mà hãng Seiko