Đăng Huy là nguồn gốc của nền chính trị vàng đen ở Đài Loan.
Ông ta biết nó ở đâu nhưng bàn nhiều về sự cần thiết chống
tham nhũng mà làm thì ít. Đó là lý do tại sao những Bộ trưởng
Tư pháp trước kia đã buộc phải ra đi bởi vì họ thành tâm nghe
theo những lời ông Lý nói và đã cố dọn sạch tham nhũng. Nào là
bầu không khí, nền văn hóa và con người, tất cả đều ô nhiễm vì
nó có thể tác động các quan tòa, cảnh sát và ngay cả các quan
chức làm luật. Chúng ta cần họ nhận lấy trách nhiệm này.”
Tôi đã tiếp Tổng thống Lý ở Singapore năm 1989. Đó là
chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Đài Loan đến Đông
Nam Á. Tôi dành cho ông ta mọi sự ân cần cá nhân dành cho
khách thăm là nguyên thủ quốc gia. Nhưng mặc dù lúc đó
chúng tôi chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa, tôi vẫn quyết định không đón tiếp ông ta theo
nghi thức ngoại giao dành cho nguyên thủ quốc gia. Không có
cờ, không có đội danh dự, không có trang trí theo nghi lễ dành
cho một chuyến thăm ở cấp quốc gia. Trong tất cả các tuyên bố
công khai, chúng tôi đều nhắc đến ông ta là Tổng thống Lý “từ
Đài Loan” chứ không phải nói “của Đài Loan”. Mặc dù vậy
chuyến đi ấy đã nâng cao hình ảnh chính trị của ông ta trong
khu vực.
Bởi vì tôi đã hành động như chiếc cầu liên lạc giữa hai bên,
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan đã chọn Singapore
là địa điểm cho cuộc đàm phán đầu tiên của họ vào tháng
4/1993. Người Trung Quốc đặt tên cho nó là “Cuộc đàm phán
Wang – Ku”, lấy theo họ của các nhà lãnh đạo đại diện chính
thức cho những tổ chức “không chính thức” của cả hai bên. Tôi
đã gặp riêng cả hai trưởng đoàn và biết rằng họ được các vị tổng
thống của mình giao phó làm việc theo những chương trình
nghị sự khác nhau. Koo Chen–fu, đại diện Đài Loan, muốn chỉ