Lần này chúng tôi ra về với một ấn tượng tốt đẹp hơn. Các vị
đại diện nước chủ nhà cũng cảm thấy thoải mái, họ ăn uống
ngon lành và chuyện trò vui vẻ với chúng tôi. Họ sẵn sàng nói
chuyện về cái thập niên tai họa wen ge – văn cách, chữ nói tắt, có
nghĩa là Cách mạng Văn hóa vĩ đại. Các nhà lãnh đạo và các
quan chức chúng tôi gặp đều cởi mở và thoải mái, sẵn sàng bàn
luận về những sai lầm của họ trong quá khứ và những khó khăn
trong tương lai. Những khẩu hiệu từng được dán khắp Bắc Kinh
và các thành phố khác và những tấm áp phích khổng lồ dựng
trên những cánh đồng lúa và lúa mì ngày càng ít đi. Giờ đây chỉ
có một số khẩu hiệu khiêm tốn hô hào mọi người hãy làm việc
tích cực cho Bốn hiện đại hóa. Họ đang dần dần trở nên tự nhiên
hơn, giống các xã hội khác nhiều hơn.
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã nhận thức được rằng do
Cách mạng Văn hóa mà họ đã mất đi cả một thế hệ. Họ đã quay
lưng lại với niềm tin của Mao về cách mạng không ngừng. Họ
cần những mối quan hệ ổn định với các nước khác để có được sự
hợp tác kinh tế và giúp đỡ Trung Quốc khôi phục lại. Tôi nghĩ
chắc gì sau một thế hệ nữa Trung Quốc sẽ trở thành một quốc
gia hiện đại.
Tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều khác nhau về địa lý, kinh
tế, giáo dục và trình độ năng suất. Những mối bận tâm của các
tỉnh trưởng cũng khác nhau. Mãi sau khi đến thăm Đôn Hoàng,
đầu mối của con đường tơ lụa để xem những hang động thờ
Phật nổi tiếng đã bị bỏ hoang phế nhiều thế kỷ, tôi mới nhận ra
mức độ khô, bụi và cằn cỗi của miền bắc Trung Quốc. Khi Tỉnh
trưởng tỉnh Cam Túc cho tôi cưỡi lạc đà đến vùng “Những đụn
cát hát”, không xa Đôn Hoàng lắm, tôi mới nhận ra rằng chúng
tôi đang ở rìa sa mạc Gobi và Taklamakan. Giống lạc đà Bactri
của họ là lạc đà hai bướu, lông bờm xờm trông rất đẹp, thanh tú