tán vì ông ta không thể bảo vệ họ được nữa. Hôm đó là ngày
19/5. Đã quá trễ. Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung
Quốc đã quyết định tuyên bố thiết quân luật và sử dụng vũ lực
nếu cần thiết để giải tán đoàn biểu tình. Trong tình thế đó, sinh
viên hoặc là phải tự giải tán hoặc bị dẹp tan bằng vũ lực. Triệu
Tử Dương đã không có được sự cứng rắn cần thiết của người
lãnh đạo một nước Trung Quốc đang bên bờ vực của sự hỗn
loạn. Người ta đã để cho những người phản đối có trật tự trở
thành những kẻ phiến loạn ngoan cố. Nếu xử trí không cương
quyết, họ có thể đã gây ra tình trạng hỗn loạn tương tự trên
khắp đất nước rộng lớn ấy. Thiên An Môn không phải là quảng
trường Trafalgar ở London.
Trung Hoa cộng sản đã áp dụng chính sách “Kẻ vô danh tiểu
tốt” của Liên Xô. Cho dù một người lãnh đạo có quyền lực đến
đâu, một khi ông ta không tại vị nữa, ông ta sẽ trở thành kẻ vô
danh tiểu tốt và sẽ không bao giờ được nhắc đến trước công
chúng. Mặc dù tôi rất muốn gặp Triệu Tử Dương trong các
chuyến thăm Trung Quốc sau đó, nhưng tôi không thể đưa ra
vấn đề này. Vài năm sau sự kiện Thiên An Môn, tôi gặp một
trong những người con trai của ông và anh ta đã cho tôi biết sơ
về Triệu Tử Dương và gia đình ông ta đã sống ra sao sau khi ông
ta bị cách chức. Triệu Tử Dương phải rời khỏi Trung Nam Hải,
khu nhà ở của toàn bộ lãnh đạo đảng, và đến ở trong căn nhà mà
Hồ Diệu Bang (nguyên Tổng bí thư đảng) ở khi còn là trưởng
ban tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong vài năm đầu,
Triệu Tử Dương có một lính gác ngay lối vào nhà và mọi hoạt
động của ông đều bị theo dõi. Sau này, việc giám sát có lơi lỏng,
ông có thể chơi gôn tại sân gôn của người Trung Quốc ở ngoại ô
Bắc Kinh, chứ không được chơi tại sân gôn liên doanh với nước
ngoài. Ông có thể đi thăm các tỉnh trên đất liền nhưng không