Tháng 10/1990, tôi gặp Chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông ta
đón tiếp tôi niềm nở, trích dẫn cả lời Khổng Tử rằng: “Đón tiếp
bạn từ phương xa là niềm vui.” Ông ta đã nhớ tôi khi ông sang
thăm Singapore vào đầu những năm 80 và khi tôi thăm Thượng
Hải năm 1988, khi đó ông là thị trưởng. Ông ta đã hai lần sang
thăm Singapore, lần thứ nhất trong hai tuần để nghiên cứu
bằng cách nào Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB) của Singapore đã
thu hút được đầu tư vào Singapore và chúng tôi đã phát triển
các khu công nghiệp như thế nào. Khi đó ông ta được giao
nhiệm vụ hình thành những đặc khu kinh tế ở Quảng Đông và
Phúc Kiến. Chuyến thăm thứ hai chỉ là quá cảnh. Lúc ra về, ông
ta mang theo mình một ấn tượng sâu sắc về các quy hoạch đô
thị, trật tự, điều kiện giao thông, sự sạch sẽ và chất lượng dịch
vụ của Singapore. Ông ta nhớ lại khẩu hiệu của chúng tôi: “Lịch
sự là nếp sống của chúng tôi.” Ông rất vui khi ông có thể nói
chuyện với người dân trên đường phố bằng tiếng Quan thoại.
Điều này làm ông dễ đi đây đó trò chuyện với nhiều người.
Giang Trạch Dân nói rằng sau biến cố “Lục – Tứ”, phương Tây
nói rằng thông qua vô tuyến truyền hình họ có thể can thiệp
vào công việc của Trung Quốc. Phương Tây hành động theo hệ
thống giá trị của họ. Ông ta có thể chấp nhận rằng có những
quan điểm khác nhau nhưng không phải chỉ có một quan điểm
là đúng. Không có gì là tuyệt đối trong những khái niệm về dân
chủ, tự do và nhân quyền. Chúng không thể tồn tại trong sự
trừu tượng, mà liên quan với nền văn hóa và mức độ phát triển
kinh tế của một quốc gia. Không có những thứ như tự do báo
chí. Các tờ báo phương Tây thuộc về và chịu sự quản lý của các
tập đoàn tài chính khác nhau. Ông ta đề cập đến quyết định của
Singapore năm 1988 giới hạn lượng bán ra của tờ báo Asian
Wall Street Journal và nói lẽ ra Trung Quốc nên làm như vậy